top of page
Ảnh của tác giảKinh Pháp Cú

Tích Truyện Kinh Pháp Cú 109 - CẬU BÉ ÍCH THỌ

Đã cập nhật: 13 thg 7



“Abhivādanasīlissa, Niccaṃ vuḍḍhāpacāyino; Cattāro dhammā vaḍḍhanti, Āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ”.

"Thường tôn trọng, kính lễ

Bậc kỳ lão trưởng thượng,

Bốn pháp được tăng trưởng:

Thọ, sắc, lạc, sức mạnh."


Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại xứ Dīghalambika (Đi Khá Lam Bí Cá), ở trong một cái cốc trong rừng (Araññakuṭikā), đề cập đến công tử Dīghāyu (Trường Thọ).


Tương truyền: Có hai vị Bà la môn cư ngụ trong thành Dīghalambika, sau khi

xuất gia theo ngoại đạo đã đi ta bà thực hành khổ hạnh (Tapacaranaṃ) trong bốn

mươi tám năm. Một trong hai đạo sĩ ấy nghĩ rằng: “Dòng dõi ta sẽ bị tiêu diệt, ta sẽ

hoàn tục”.


Thế rồi, đạo sĩ bán hết cho người khác những đồ đạc dụng cụ đạo sĩ của mình

làm ra, lấy tiền mua súc vật về nuôi và về sau khá giả, thầy cưới vợ và tạo lập gia

đình. Rồi vợ thầy sanh được một đứa con trai.


Vị đạo sĩ kia đã xuất ngoại, mới trở về thành trong mấy ngày. Nghe tin đạo sĩ trở

về, thầy Bà la môn dắt cả vợ con đi thăm bạn cũ. Gặp đạo sĩ, thầy trao con cho vợ ẵm

để thầy đảnh lễ. Người mẹ cũng trao con cho cha bồng để mình đảnh lễ đạo sĩ. Đạo sĩ

chúc phúc cho cả hai vợ chồng được trường thọ. Đến phiên đứa con đảnh lễ thì đạo sĩ

làm thinh.


Người cha bèn hỏi đạo sĩ:

- Bạch Ngài, tại sao khi chúng tôi đảnh lễ Ngài chúc chúng tôi được trường thọ.

Còn khi đứa nhỏ nầy đảnh lễ Ngài không nói chi cả?

- Nầy thầy Bà la môn, đứa bé nầy sắp lâm đại nạn.

- Bạch Ngài, nó sẽ sống được bao lâu?

- Nầy Bà la môn, nó sẽ sống được bảy ngày.

- Bạch Ngài, có phép gì tránh khỏi tai nạn chăng?

- Sa môn Cồ Đàm biết, thầy hãy đến tìm Ngài mà hỏi.

- Đi đến đó tôi sợ đứt Giới hạnh đạo sĩ của mình chăng?

- Nếu thầy có lòng thương tưởng đến con thì đừng quá câu nệ như thế, hãy đi tìm

Ngài mà hỏi đi.


Thầy Bà la môn đem cả vợ con đến yết kiến Đức Bổn Sư, sau khi thầy đảnh lễ,

Ngài chúc phúc: “Thầy hãy là người trường thọ”. Khi vợ thầy đảnh lễ, Ngài cũng

chúc phúc trường thọ, nhưng khi đứa con đảnh lễ, Ngài cũng lặng thinh.



Thầy Bà la môn hỏi Đức Bổn Sư như đã hỏi đạo sĩ bạn và Đức Bổn Sư cũng đáp

lại y như lời đạo sĩ ấy. Người ta nói: Thầy Bà la môn không hiểu thấu trí tuệ Toàn

Giác (Sabbaññutaññānaṃ), chỉ căn cứ theo chú thuật của mình mà so sánh, nên nghĩ

rằng bậc Toàn Giác cũng không biết được phương pháp nào giúp cho đứa bé thoát

khỏi tai họa được.


Thầy Bà la môn hỏi Đức Bổn Sư:

- Bạch Ngài, có phép nào ngăn trở, xa lánh được tai họa chăng?

- Nầy Bà la môn có thể có.

- Có thể có phép gì, bạch Ngài?

- Nếu như thầy che rạp trước cửa nhà mình, giữa rạp thầy cho kê một cái ghế dài,

vây quanh ghế ấy thầy cho sắp sẵn tám hoặc mười sáu chỗ ngồi, rồi cho thỉnh các

Thinh Văn của Ta ngồi lên đó tụng kinh Pāritta liên tục bảy ngày đêm. Nếu thầy làm

được như vậy thì sự tai họa đó có thể tiêu tan.

- Ngài Cồ Đàm à, việc che rạp và sắp xếp chỗ ngồi ở nhà tôi, tôi có thể làm được

hết. Nhưng làm sao tôi có thể thỉnh được các vị Thinh Văn của Ngài?

- Thầy cứ về lo phần việc của thầy xong, Ta sẽ cho các Thinh Văn của Ta đến.

- Lành thay, thưa Ngài Cồ Đàm.


Thầy Bà la môn trở về lo châu tất mọi việc ở trước cửa nhà xong, trở lại bạch với

Đức Bổn Sư. Ngài cho các Tỳ khưu đi với thầy đến ngồi lên các chỗ đã soạn sẵn, đứa

con trai nhỏ cũng được nằm trên chiếc ghế dài.

Các Tỳ khưu tụng kinh Pāritta suốt cả bảy ngày bảy đêm không gián đoạn. Đến

ngày thứ bảy, Đức Bổn Sư đích thân ngự đến. Trong cổng cửa nhà ấy, chư thiên trong

khắp cõi Ta bà thế giới vân tập đến đông đặc.

Lúc bấy giờ, có con Dạ xoa tên Avaruddhaka sau mười hai năm hầu hạ, phục

dịch Đức Thiên Vương Vessavana(1), đã xin được Ngài ân tứ cho phép bắt đứa nhỏ

nầy, kể từ hôm nay cho đến ngày thứ bảy, cho nên nó cũng đến đứng ở đó.


Đức Bổn Sư tuyên bố rằng:

- Nơi cổng nhà nầy, chư thiên nhiều oai lực câu hội đông đảo, chư thiên kém oai

lực rút lui ra xa.

Các vị sau nầy không sao tìm được chỗ trống nên phải lui ra xa mười do tuần,

con Dạ xoa Avaruddhaka cũng phải ra đứng tuốt ngoài xa.

Suốt đêm ấy, Đức Bổn Sư cũng tụng kinh Pāritta. Qua thời hạn bảy ngày,

Avaruddhaka chưa bắt được đứa bé, đến ngày thứ tám khi mặt trời vừa mọc lên,

người ta mang đứa bé đến đảnh lễ Đức Thế Tôn. Ngài chúc phúc cho nó được trường

thọ. Cha đứa bé hỏi:

- Thưa Đức Cồ Đàm, đứa bé nầy sẽ được trường thọ bao lâu?


------------

(Chú thích: 1 Tỳ Sa môn, còn gọi là Đa Văn (Kuvera) là Đại Thiên Vương trấn Bắc Châu, cai quản bọn Dạ xoa (Yakkha) T.K.P.M).



- Sống được một trăm hai mươi năm, thầy Bà la môn à!

Do đó, cha mẹ đứa bé đặt tên con là Dīghāyu (Trường Thọ hay Ích Thọ). Theo

cổ lệ, nó được danh dự đi chơi nơi nào cũng có năm trăm cận sự nam theo bao vây

chung quanh.


Một ngày nọ, chư Tăng ngồi câu hội tại giảng đường, đề khởi câu chuyện như

vầy:

- Nầy các đạo hữu, có thấy chăng? Nghe nói cậu bé Dīghāyu phải bị chết trong

vòng bảy ngày. Thế mà bây giờ hóa ra lại sống thọ một trăm hai mươi tuổi, khi đi đâu

cũng có năm trăm tùy chúng bao quanh. Chắc phải có lý do khiến chúng sanh ấy tăng

tuổi thọ…


Đức Bổn Sư đến hỏi:

- Nầy các Tỳ khưu, hôm nay các thầy hội thảo chuyện chi đây?

- Bạch Ngài, chuyện nầy…


Nghe vậy, Đức Thế Tôn giải thích rằng:

- Nầy các Tỳ khưu, không phải toàn thể chúng sanh đều có thể tăng thêm tuổi

thọ như thế đâu! Sở dĩ những chúng sanh nầy được như thế là nhờ đã kính lễ các vị có

đức hạnh. Họ đã phát triển bốn lý do khiến cho giải thoát khỏi điều tai họa, nên mới

được tăng tuổi thọ.


Nói rồi, Đức Bổn Sư thuyết pháp và tóm tắt kết luận bằng kệ ngôn:

 

“Abhivādanasīlissa, Niccaṃ vuḍḍhāpacāyino; Cattāro dhammā vaḍḍhanti, Āyu vaṇṇo sukhaṃ balaṃ”.

"Thường tôn trọng, kính lễ

Bậc kỳ lão trưởng thượng,

Bốn pháp được tăng trưởng:

Thọ, sắc, lạc, sức mạnh."



26 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page