top of page
Ảnh của tác giảKinh Pháp Cú

Tích Truyện Kinh Pháp Cú 110 - SADI ĐÒN XÓC

Đã cập nhật: 13 thg 7



“Yo ca vassasataṃ jīve, Dussīlo asamāhito; Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo, Sīlavantassa jhāyino”.

"Dầu sống một trăm năm

Ác giới, không thiền định,

Không bằng sống một ngày,

Trì giới, tu thiền định. "


Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Sadi Đòn Xóc (Saṅkicca).


Tương truyền: Trong thành Xá Vệ có ba mươi vị công tử, sau khi nghe pháp rủ

nhau xuất gia trong Giáo Pháp của Đức Bổn Sư. Các vị ấy tu Tỳ khưu được năm hạ

rồi, liền đến yết kiến Đức Bổn Sư. Nghe Ngài hỏi muốn tu thêm pháp nào trong hai

pháp là: Pháp học và Pháp hành (Ganthadhuraṃ - Vipassanādhuraṃ). Các vị đều

đồng ý xin Đức Thế Tôn dạy cho đề mục minh sát để bổ túc Pháp hành ngõ hầu đắc

quả A La Hán, chớ không ưng cố gắng thọ trì Pháp học, vì đã lớn tuổi mới xuất gia.


Thọ giáo đề mục xong rồi, các vị ấy xin phép Đức Bổn Sư:

- Bạch Ngài, chúng con sẽ vào hành đạo trong một khu rừng.

- Các thầy vào khu rừng nào?

- Bạch Ngài, khu rừng ấy tên là…

Nghe vậy, Đức Bổn Sư biết rằng: “Vào nơi đó, các Tỳ khưu nầy sẽ phải một

phen kinh sợ vì một gã tàn thực (Vighāsādā), nếu có Sadi Saṅkicca đi cùng thì mọi

việc sẽ an bài tốt đẹp, rồi các thầy Tỳ khưu ấy sẽ hoàn tất phận sự xuất gia”.

Sadi Saṅkicca là tên vị Sadi bảy tuổi, đệ tử của Ngài Sāriputta (Xá Lợi Phất).


Người ta nói mẹ của Sadi là con gái của một gia đình giàu có. Khi mang thai,

gần đến ngày sanh bà bị bệnh nặng trong chốc lát rồi chết ngay. Khi người ta thiêu

xác bà, trừ ra thịt ở bụng, kỳ dư những nơi khác đều cháy rụi, những người thiêu phải

đem thịt bụng của bà xuống khỏi giàn hỏa, lấy cây nhọn đâm thủng hai ba chỗ, mũi

nhọn cây chỉa chạm nhằm đôi mắt của thai nhi. Sau khi đâm thủng mảng thịt quanh

bụng, người ta vứt nó lên đống than lửa đỏ, cào than cháy phủ khắp cả, rồi bỏ ra về.

Thịt tử cung bị cháy rụi, trên mặt đống lửa than sáng ngời như chiếc đĩa bằng vàng,

đứa hài tử nằm yên như một đóa sen hồng. Quả thật, đối với một chúng sanh kiếp

chót, dù có bị rơi vào lửa hay từ đỉnh núi Sineru (Tu Di) rớt xuống, khi chưa đắc quả

A La Hán thì không bao giờ bị mạng chung.


Qua ngày sau, những người thiêu xác đến để dập tắt lửa giàn hỏa, trông thấy đứa

bé nằm yên nơi đó, hết sức ngạc nhiên kêu lên: “Sao lạ thế này? Với bấy nhiêu củi đó,

toàn thể cái xác đều cháy rụi. Tại sao đứa nhỏ không bị cháy? Có cái gì đây nhỉ?”.



Người ta mang đứa bé về làng, rồi đi coi thầy bói, các nhà tiên tri nói: “Nếu cậu

bé nầy sống tại gia, thì thân quyến cả bảy đời của cậu sẽ không nghèo khó. Còn nếu

xuất gia thì lúc đi hành đạo sẽ có năm trăm Sa môn theo hầu”.

Do cái vết thẹo ở đuôi mắt bị bể lúc trước, cậu bé được đặt tên là Saṅkicca (Đòn

Xóc), thời gian sau, vết thẹo hiện ra rõ rệt.


Các thân tộc cậu bé ráng nuôi nấng cậu và nguyện rằng: “Dầu cho đứa bé nầy

sống đến tuổi lớn khôn, chúng ta cũng cho nó xuất gia với Trưởng lão Sāriputta”.

Khi cậu bé được bảy tuổi, nó được các trẻ khác cho biết:

- Mẹ mày đã chết khi còn mang mày trong thai. Xác bà bị thiêu rụi, riêng mày

còn sống, không bị cháy.


Nghe vậy, Saṅkicca suy nghĩ: “Ai cũng bảo ta đã thoát khỏi tai nạn khủng khiếp

như thế. Vậy ta còn ở nhà mà làm gì? Ta sẽ xuất gia”.

Cậu bé Saṅkicca ngỏ ý định xuất gia của mình với quyến thuộc, họ vô cùng hoan

hỷ tán thành ý của cậu, đưa cậu đến ra mắt Trưởng lão Sāriputta và giao cậu cho

Trưởng lão.

- Bạch Ngài, xin Ngài cho cậu bé nầy xuất gia.

Trưởng lão truyền cho cậu niệm năm chi đầu của đề mục thân trược là tóc, lông,

móng, răng, da, rồi cho cậu xuất gia Sadi. Khi cậu xuống tóc, lưỡi dao cạo vừa chạm

vào da đầu, cậu liền chứng đắc A La Hán với Tuệ Phân tích. Chính Sadi Saṅkicca là

vị nầy vậy.


Khi biết rằng: “Vào trong khu rừng đó, ông Sadi nầy sẽ làm cho êm sự kinh sợ.

Nhờ vậy các Tỳ khưu sẽ đạt đến mức viên mãn phận sự xuất gia”. Đức Bổn Sư bảo

các vị ấy: “Nầy các thầy Tỳ khưu, các thầy hãy đi thăm sư huynh Sāriputta của các

thầy đi”.

- Lành thay, bạch Thế Tôn. – Các Tỳ khưu đáp.

- Các đạo hữu, có chuyện chi đến đây? – Trưởng lão Sāriputta hỏi.

- Chúng tôi đã thọ huấn đề mục nơi Đức Bổn Sư, định vào rừng hành đạo, nhưng

khi xin phép Ngài, Ngài bảo chúng tôi: “Các thầy hãy đến viếng Sư huynh của các

thầy là Sāriputta”. Cho nên chúng tôi mới đến đây.

Trưởng lão Sāriputta nghĩ thầm: “Chắc Đức Bổn Sư đã thấy được lý do gì, nên

bảo các Tỳ khưu đến đây? Vậy lý do đó là gì?”.


Khi Ngài quán xét, biết được nguyên nhân, Trưởng lão hỏi:

- Nầy các đạo hữu, các vị có Sadi nào không?

- Thưa đạo hữu(1), không có.

- Nếu không có, quý vị hãy mang theo Sadi Saṅkicca nầy đi theo.


-------------

Chú Thích: (1 Āvuso là tiếng gọi đồng hạng, hoặc nhỏ hơn. Nhưng khi Phật còn tại thế, chư Tăng chỉ dùng tiếng nầy xưng hô với nhau, dầu đối với bậc trưởng thượng).



- Thôi đi, thưa đạo hữu. Đem Sadi theo chúng tôi sẽ vướng bận, tu ở rừng thì cần

có Sadi mà làm chi?

- Nầy các đạo hữu, không phải vì Sadi nầy khiến các vị thêm ràng buộc, mà trái

lại quý vị sẽ là sự ràng buộc đối với ông Sadi nầy. Vả lại, sở dĩ Đức Bổn Sư dạy quý

vị đến thăm tôi là có ý muốn tôi cho ông Sadi cùng đi với quý vị. Vậy quý vị hãy

mang theo Sadi nầy đi.

- Lành thay.


Các Tỳ khưu chấp thuận cho Sadi cùng đi theo, thành ra một nhóm ba mươi mốt

người, từ giã Trưởng lão ra khỏi chùa, rồi đi bộ lần hồi, trải qua độ một trăm hai mươi

do tuần (Visayojana-satamatthake), đến một khu làng nọ có ngàn nóc nhà. Dân làng

thấy chư Tỳ khưu đến, phát tâm tịnh tín, đặt bát cúng dường xong mới hỏi:

- Bạch các Trưởng lão, chẳng hay các Ngài đi đâu?

- Nầy các đạo hữu, chư Tăng chúng tôi đi tìm chỗ thuận cảnh tiện nghi.


Nghe vậy, dân chúng nằm mọp dưới chân chư Tăng, yêu cầu:

- Bạch các Trưởng lão, chúng tôi xin cung thỉnh các Ngài dừng bưới lại nơi đây

kiết hạ an cư, để chúng tôi có thể thọ trì Tam quy và Ngũ giới, thiết lập trai đàn.

Chư Trưởng lão nhận lời.

Dân làng lo cất những thảo am, dọn đường kinh hành, sắp xếp cho có chỗ chư

Tăng hành đạo ban ngày lẫn ban đêm, dâng đến chư Tăng. Xong rồi, chia phiên nhau,

nay người này mai người khác siêng năng phục dịch hộ độ chư Tăng.


Vào ngày an cư kiết hạ, chư Tỳ khưu hội thảo cùng nhau rồi quyết định: “Nầy

các đạo hữu, chúng ta đã thọ giáo đề mục hành đạo từ nơi Đức Phật, thì không thể nào

ta hưởng ân huệ của Đức Thế Tôn bằng cách hành theo một đường lối nào khác. Vả

lại, các cửa vào ác đạo đang mở rộng, chúng ta chẳng khá dễ duôi. Bởi vậy, trừ ra

buổi sáng sớm là giờ đi khất thực và buổi tối là giờ phục dịch các bậc Trưởng lão, thì

chúng ta không nên ở chung hai người một nơi. Nếu ai có bệnh thì người ấy hãy đánh

kiểng (Gaṇḍī), chúng ta sẽ đến săn sóc thuốc men cho người ấy. Trong những giờ

khác, ban ngày lẫn ban đêm chúng ta phải tinh cần lo tu niệm đề mục”.


Trong khi chư Tăng đã giao ước và an cư hành đạo như vậy, thì có một người

đàn ông nghèo khổ, sống nương nhờ các con gái. Nơi xứ cô gái ấy lại lâm vào nạn

đói, ông ta muốn đến sống nương nhờ cô con gái khác, cất bước lên đường.

Lúc ấy chư Trưởng lão vào làng khất thực xong, trên đường trở về chỗ ngụ, giữa

đường các Ngài xuống tắm dưới con sông, rồi lên ngồi trên một bãi cát mà thọ thực.


Ngay lúc ấy, người đàn ông đi đến chỗ đó, đứng một bên nhìn chư Tăng. Các

Trưởng lão bèn hỏi:

- Nầy ông Thiện nam, ông đi đâu đó?

Người chạy nạn đói cho biết mục đích của mình, các Trưởng lão nghe vậy, động

lòng bi mẫn nên nói:



- Nầy ông Thiện nam, chắc là ông đói lắm, ông hãy đi tìm lá cây đem lại đây chư

Tăng mỗi vị sẽ bố thí cho ông một vắt cơm.

Khi người ấy mang lá đến, các Tỳ khưu mỗi vị bớt cơm canh của mình đang độ,

vắt lại thành một cục, sớt cho ông ta ăn. Đó là một phận sự, người ta nói rằng: Trong

giờ ăn mà có người đến xin, vị Tỳ khưu cũng nên bố thí ít hoặc nhiều vật thực của

mình đang độ, trừ ra phần cơm mật (Aggabhatta), cho nên chư Tăng đã cho như thế.


Sau khi ăn xong bữa, người đàn ông đảnh lễ các vị Trưởng lão và hỏi:

- Bạch các Ngài, hôm nay có ai mời thỉnh các Ngài dự lễ Trai Tăng phải không?

- Nầy ông Thiện nam, không có ai mời thỉnh cả. Mỗi ngày thôn dân đều cúng

dường để bát như thế cả.

Người đàn ông suy nghĩ: “Như ta luôn siêng năng làm lụng hết việc nầy đến việc

khác mà chưa hề được ăn bữa cơm như thế nầy. Vậy ta còn đi tìm chỗ khác làm chi, ta

sẽ sống chung với các Ngài là tiện nhất”.


Thế rồi, ông ta nói với chư Tăng:

- Con muốn ở gần các Ngài để làm công kia việc nọ phục dịch các Ngài.

- Lành thay, nầy Cận sự nam.

Ông Thiện nam theo chư Tăng về đến chỗ ngụ của các Ngài, phụ trách mọi việc

đàng hoàng tử tế rất được lòng các Ngài. Nhưng qua hai tháng sau, ông ta lại muốn đi

thăm con gái, tự nghĩ: “Nếu ta xin phép chắc chắn các Ngài sẽ không buông thả ta ra.

Vậy ta hãy rút đi êm là hơn”. Thế rồi, ông ta ra đi không cáo từ chư Tăng, người ta

nói, ai lén chư Tăng mà đi như vậy là phạm một lỗi lầm.


Trên đường đi của ông Thiện nam, có một khu rừng rậm, trong rừng ấy có năm

trăm tên cướp mới đến làm sào huyệt và nguyện với chư thiên trong rừng rằng: “Ai

vào rừng nầy, chúng tôi sẽ giết chết, lấy máu và thịt cúng tế linh thần”. Chúng trú ở

nơi ấy được bảy ngày. Hôm ấy là ngày thứ bảy, tên chúa đảng trèo lên cây, canh

chừng những bộ hành, trông thấy ông Thiện nam đi đến, bèn ra dấu cho đồng đảng.


Bọn cướp biết ông ta đã vào đến giữa rừng, bèn bao vây bắt được. Lấy dây trói tay

chân ông thật chặt, lấy cây cọ kéo cho ra lửa để nhóm lửa, gom củi lại chất thành một

đống lửa lớn và lấy cây chỉa thọc cho thông hơi. Ông Thiện nam thấy bọn cướp làm

như thế bèn hỏi:

- Thưa chủ, nơi đây không có khu rừng như heo, nai chẳng hạn, thế mà ông chủ

cho nhóm lửa làm gì thế?

- Chúng ta sẽ giết chết ngươi để lấy thịt và máu cúng tế Thiên địa quỷ thần.


Ông ta quá sợ chết, chỉ lo bảo toàn mạng sống của mình, không còn nhớ đến ân

nghĩa của các Tỳ khưu, nên nói:

- Thưa ông chủ, tôi chỉ là một kẻ dùng tàn thực, một kẻ ăn mót cơm thừa, canh

cặn, nên có tên là tàn thực (Vighāsādo) là kẻ xui xẻo bần tiện, mới vừa từ biệt các

Trưởng lão mà ra đi. Các bậc xuất gia thuộc dòng Sát Đế Lỵ, hiện giờ đang ở nơi địa

điểm nọ, tất cả là ba mươi mốt vị Tỳ khưu, ông chủ bắt các vị ấy giết lấy máu và thịt

tế chư thần, chắc chư thiên sẽ hoan hỷ hơn.



Nghe vậy, bọn cướp suy nghĩ: “Tên nầy nói nghe cũng có lý. Ta giết kẻ xui xẻo

nầy làm chi? Ta nên giết người thuộc dòng Sát Đế Lỵ mà tế thần”.

Bọn cướp mở trói cho ông tàn thực, để ông ta dẫn đường, đưa chúng đến chỗ

ngụ của chư Tăng. Đến chùa không thấy chư Tăng trong chùa, bọn cướp hỏi: “Các Tỳ

khưu ở đâu?”.


Ông tàn thực đã tựng ngụ ở đây hai tháng, đã biết rành nội quy của chư Tăng,

nên chỉ cách cho bọn cướp: “Các Tỳ khưu vô ngồi trong các chỗ tu hành ban ngày

hoặc ban đêm, chớ không có ở đây. Các ông hãy đánh kiểng, nghe tiêng kiểng, các Tỳ

khưu sẽ tụ hội”.

Tên đầu đảng đánh kiểng. Các Tỳ khưu nghe tiếng kiểng, nghĩ thầm: “Kiểng

đánh phi thời, chắc có vị nào bệnh chi đây?”.

Tất cả chư Tăng đều tựu vào giữa chùa, theo thứ tự tuổi hạ ngồi lên những bàn

thạch đá kê sẵn từ trước.


Vị Trưởng lão Tăng trưởng nhìn bọn cướp rồi hỏi:

- Nầy các Thiện nam, ai đánh kiểng nầy vậy?

- Bạch các Ngài, chính chúng tôi đánh.

- Vì lý do nào vậy?

- Chúng tôi có việc cầu khẩn chư thiên trong rừng, nên bây giờ đến bắt một vị Tỳ

khưu đem về cúng tế trả lễ chư thiên.


Nghe vậy, vị Trưởng lão cao hạ nhất bảo các Tỳ khưu:

- Nầy các đạo hữu, phàm trong đạo nghĩa anh em, hễ có việc chi xảy đến, người

anh cả phải đứng ra gánh vác. Tôi nguyện hi sinh mạng sống cho tất cả chư Tăng mà

đi với mấy ông nầy. Mong cho tất cả đừng bị sự tai hại. Hãy chuyên cần hành Sa môn

Pháp.


Vị phó Trưởng lão nói:

- Bạch Ngài, phàm phận sự nào của người anh thì người em phải đảm đương.

Tôi xin ra đi để Ngài và chư Tăng ở lại tinh tấn hành đạo.

Cứ theo thứ tự, từ trên xuống dưới, cả ba mươi vị Tỳ khưu đều tình nguyện xin

lãnh phần hi sinh như thế. Tất cả những vị nầy đều không phải con một mẹ, không

phải con một cha và cũng không phải là những bậc đã lìa xa tình dục, ấy thế mà không

ham muốn được sống sót, các vị ấy tuần tự tự nguyện hi sinh mạng sống, trong nhóm

không có vị nào có thể mở miệng bảo vị khác: “Đạo hữu hãy đi đi”.


Sadi Saṅkicca nghe qua những lời tình nguyện của các Tỳ khưu thì bạch rằng:

- Xin các Ngài hãy khoan, để con đi thế mạng cho các Ngài.

- Nầy đạo hữu, chúng tôi thà là chết chung một lượt, chớ không bao giờ đành để

cho ngươi ra đi một mình đâu.



- Bạch các Ngài, tại sao vậy?

- Nầy đạo hữu, đạo hữu là Sadi của Pháp Chủ là Trưởng lão Sāriputta, nếu như

chúng tôi để đạo hữu ra đi, thì Trưởng lão sẽ trách chúng tôi: “Các thầy đã đem Sadi

của tôi đi giao cho bọn cướp”. Chúng tôi sẽ không có lời nào nào biện để khỏi bị

Trưởng lão quở, do đó chúng tôi không để cho đạo hữu đi.


- Bạch các Ngài, Đức Chánh Biến Tri đã khiến các Ngài đến thăm Hòa Thượng

của con và thầy con đã khiến con đi chung với các Ngài, bây giờ có việc xảy đến như

vầy thì cái lý do khiến con phải đi với các Ngài đã rõ rệt. Vậy xin các Ngài hãy ở lại,

để con đi.

Sadi Saṅkicca đảnh lễ ba mươi vị Tỳ khưu để cáo biệt và nói: “Nếu con có lỗi

lần chi, xin các Ngài hãy tha thứ cho con”.


Ông Sadi ra đi, các Tỳ khưu phát tâm kinh cảm, lụy ứa đoanh tròng, tâm tư xúc

động. Trưởng lão bảo bọn cướp:

- Nầy các Thiện nam, đứa bé nầy sẽ kinh hãi khi thấy các ông nổi lửa, gom củi

trải lá. Vậy các ông hãy để nó qua một bên rồi hãy làm các việc ấy.

Bọn cướp bắt ông Sadi vào rừng, để ông đứng riêng một nơi, rồi lo làm tất cả

mọi việc.

Xong việc rồi, tên chánh đảng rút gươm ra khỏi vỏ, đến gần ông Sadi, còn ông

Sadi lúc bấy giờ đang ngồi Tham thiền nhập định. Tên chánh đảng khoa gươm lên rồi

chém xuống cổ ông Sadi, lưỡi gươm cong ngược lên, sóng chạm với sóng. Tướng

cướp ngỡ là mình chém không đúng cách, uốn nắn lưỡi gươm cho ngay lại, rồi chém

một lần nữa, lưỡi gươm lại uốn cong lại như tàu lá thốt nốt, mũi gươm chạm với gốc

cán gươm.


Trong khi ấy, ông Sadi dầu có bị xô ngã từ đỉnh núi Tu Di xuống cũng không thể

chết, huống hồ gì bị chém bằng gươm. Thấy việc lạ thường, tên chánh đảng tự nghĩ:

“Lúc trước lưỡi gươm ta chém vào tảng đá hoặc gốc cây keo đứt ngọt như chém vào

đọt thốt nốt, bây giờ lần đầu tiên nó bị cong, lần thứ hai nó bị uốn lại như tàu lá thốt

nốt. Lưỡi gươm nầy tuy là vật vô tình vô ý mà nó còn biết Giới đức của ông Sadi nầy,

còn ta là người có tình có ý mà ta lại không biết”.


Quăng gươm xuống đất, tên chánh đảng nằm mọp dưới chân ông Sadi mà thưa:

- Bạch Ngài, bọn tôi vì lý do của cải chiếm cứ khu rừng nầy, những người vào

đây dầu đông đến số ngàn nhưng thấy chúng tôi từ đàng xa cũng đã run sợ không thể

nói lên được một lời, còn Ngài vì sao không có chút gì sợ hãi, sắc diện lại sáng rỡ như

vàng ròng, dung nhan tươi tốt như chùm hoa nở vậy Ngài?


Tên chánh đảng lại ngâm kệ hỏi rằng:


“Tāso te natthi na bhayaṃ,

Bhiyyo vaṇṇo pasīdati;

Kasmā na paridevesi,

Evarūpe mahabbhayeti”.


“Ngài không run cũng không sợ, hơn thế nữa sắc mặt Ngài trong sáng. Tại sao

Ngài không than khóc, trước sự kinh sợ to lớn như vậy?”



Vị Sadi xuất thiền, thuyết pháp cho tên cướp nghe.

- Nầy đạo hữu đảng trưởng, bậc Lậu tận xem cái gọi là tự ngã (xác thân) là một

gánh nặng. Cho nên khi có sự phá vỡ tự ngã thì bậc ấy càng hoan hỷ chớ không sợ sệt.

Nói rồi Sadi ngâm lên kệ rằng:


“Natthi cetasikaṃ dukkhaṃ,

Anapekkhassa gāmaṇi;

Atikkhanto bhayaṃ sabbaṃ,

Khīṇasaṃyojano isi.

Khīṇā assa bhavanetti,

Diṭṭhā dhammā yathā tathā;

Nibbhayaṃ maranaṃ honti,

Bhāravoropananaṃ yathāti”.


“Nầy đảng trưởng, không có sự khổ tâm đối với bậc vô dục, nhà đạo sĩ đã dứt

trừ mọi kiết sử, là đã vượt qua tất cả sự lo sợ. Nếu như con mắt hữu được phá vỡ hợp

pháp, ngay trong hiện kiếp thì sự chết là sự vô úy, giống như sự trút bỏ gánh nặng ấy

vậy?”.


Nghe dứt bài kệ tên tướng cướp quay lại nhìn năm trăm đồng đảng hỏi rằng:

- Mấy anh em sẽ làm gì?

- Thưa đại ca, đại ca sẽ làm gì?

- Từ lúc thấy pháp mầu huyền diệu, ta tự nghĩ: “Ta đã hết phận sự ở gia đình

rồi”, cho nên ta sẽ xuất gia với Ngài đây.

- Chúng tôi cũng đông ý theo gương của đại ca.

- Lành thay, các hiền đệ.


Kế đó, năm trăm tên cướp đồng quỳ xuống đảnh lễ ông Sadi xin cho mình xuất

gia.

Sadi Saṅkicca bảo năm trăm tên cướp lấy lưỡi gươm cạo tóc và cắt bỏ lại quần

áo, lấy đất nâu nhuộm màu làm thành y đắp xong rồi, mới truyền mười giới cho đệ tử,

lúc dắt họ đi ông thầy tự nghĩ: “Nếu ta đi luôn không về thăm các Trưởng lão thì các

Ngài sẽ không thể hành Sa môn Pháp được, vì cứ ngỡ rằng bọn cướp đã bắt giết ta rồi.


Từ lúc ta ra đi không một Ngài nào cầm được nước mắt, cứ mãi băn khoăn với ý nghĩ:

“Tội nghiệp cho ông Sadi bị bọn cướp giết chết”. Các Ngài không thể định tâm

chuyên chú niệm đề mục được, bởi thế ta phải về thăm các Ngài”.

Cùng với đoàn tùy tùng năm trăm Tỳ khưu, Sadi Saṅkicca trở về chỗ ngụ của

các Trưởng lão cho các Ngài được thấy mình.


Các Ngài Trưởng lão mừng rỡ hỏi:

- Ồ! Bậc Thiện trí thức (Sappurisa) Saṅkicca, Ngài còn sống phải chăng?



Nghe vậy Saṅkicca đáp:

- Dạ phải, bạch các Ngài. Những vị nầy đã tính giết con nhưng không giết được,

trở lại có tâm tịnh tín đối với ân đức của con, sau khi nghe pháp các vị nầy đã xuất

gia, con về đây thăm các Ngài. Các Ngài hãy chuyên cần hành Sa môn Pháp từ nay về

sau, còn con sẽ về yết kiến Đức Thế Tôn.


Sau khi đảnh lễ các Trưởng lão, Saṅkicca dắt các đệ tử về thăm thầy Tế độ, ông

thầy hỏi:

- Nầy Saṅkicca, con mới kiếm được những đệ tử phải không?

- Dạ phải, bạch Ngài.

Rồi Sadi đem những việc đã qua trình cho thầy biết.

Trưởng lão bảo: “Này Saṅkicca, con hãy đi yết kiến Đức Bổn Sư đi”.

- Lành thay.


Sadi Saṅkicca đảnh lễ Trưởng lão rồi dắt các đệ tử đến chỗ Đức Bổn Sư đang

ngự. Đức Bổn Sư cũng hỏi:

- Nầy Saṅkicca con mới kiếm được những đệ tử phải không?

Sadi Saṅkicca lại đem mọi việc vừa qua trình lên cho Đức Bổn Sư biết. Đức Bổn

Sư hỏi các Tỳ khưu đệ tử: “Nầy các Tỳ khưu có đúng như thế không?”.

- Dạ đúng, bạch Ngài.


Nghe vậy, Đức Thế Tôn dạy rằng:

- Nầy các Tỳ khưu, các thầy đã làm nghề trộm cướp, dầu cho có sống cả trăm

năm trong tà Giới hạnh, không bằng bây giờ chỉ sống một ngày mà Trì Giới nghiêm

minh”.


Đức Bổn Sư thuyết pháp, rồi kết luận bằng bài kệ rằng:


“Yo ca vassasataṃ jīve, Dussīlo asamāhito; Ekāhaṃ jīvitaṃ seyyo, Sīlavantassa jhāyino”.

"Dầu sống một trăm năm

Ác giới, không thiền định,

Không bằng sống một ngày,

Trì giới, tu thiền định. "



28 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page