“Idha tappati pecca tappati, Pāpakārī ubhayattha tappati; “Pāpaṃ me katan”ti tappati, Bhiyyo tappati duggatiṃ gatoti”. | Nay than, đời sau than, Kẻ ác, hai đời than; Than rằng: "Ta làm ác" Đọa cõi dữ, than hơn". |
Kệ Pháp Cú (17) này, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự tại Jetavana, đề cập
đến Devadatta.
Tiểu sử của Devadatta từ khi xuất gia đến ngày bị đất rút, tất cả Kinh Bổn Sanh
(Jātakāni) đều có tường thuật đầy đủ chi tiết.
Dưới đây chỉ là một sự tích tóm lược mà thôi.
Thưở ấy, nhằm lúc Đức Bổn Sư ngự an trong vườn xoài của ông Anupiya, trong
thị trấn Mallā (Nigama mallāna) thuộc địa phận xứ Anupiya.
Khi ấy, tám muôn quyến thuộc của Ngài hội nhau lại thảo luận với nhau rằng:
- Từ khi thầy tướng tiên đoán Đức Như Lai sau nầy sẽ thành bậc Đại Giác hoặc
sẽ tước vị Đế Vương, chúng ta đã hứa lời sẽ cho con cháu của chúng ta trong tông tộc
Sát Đế lỵ (Khattiya) đi theo để hầu hạ Ngài. Vậy bây giờ ta nên giữ lời hứa đó.
Thế rồi, hoàng tộc Thích Ca cho tám muôn vị Thái tử xuất gia theo Phật, trừ ra
sáu vị là đức vua Bhaddiya và các vương tử Anuruddha, Ānanda, Bhagu, Kimbila và
Devadatta còn ở lại nhà.
Vì thế trong hoàng tộc Thích Ca, có người lại đưa sự kiện nầy ra hội thảo và kêu
nài rằng:
- Tất cả chúng ta đều có cho con mình xuất gia đúng theo lời hứa, còn sáu họ
Thích nầy không phải là thân tộc của chúng ta hay sao, mà không cho con xuất gia.
Nghe vậy, Thái tử Mahānāma (Đại Danh) đến nói với em mình là Anuruddha
rằng:
- Nầy em! Trong gia đình ta chưa có người nào xuất gia, vậy bây giờ em đi hay
là để anh đi xuất gia đây?
Hoàng tử Anuruddha từ nhỏ tới giờ chỉ quen sống trên nhung lụa, an hưởng cuộc
đời vương giả cao sang phú túc, chưa hề nghe đến tiếng “không có” bao giờ.
Cho đến một hôm nọ, sáu Vương tử trên đây ráp nhau chơi đánh cầu (Vulalīla),
Anuruddha bị thua cuộc phải chịu đãi bánh, nên cho thị giả về nhà xin bánh.
Chơi đi chơi lại ván nào cũng thua, Anuruddha cho người về xin bánh mãi, bà mẹ sắp bánh gửi đến được ba lần, đến lần thứ tư bà chỉ nhắn lời nói: “Bánh không có”. Ông hoàng trẻ tuổi chưa từng nghe tiếng không có cho nên ngẫm nghĩ: “Đó là thứ bánh gì vậy há?”, đoạn ông bảo tùng giả hãy cứ đi về lấy Bánh Không Có đem đến vậy.
Người nầy y lời về bẩm lại: “Tâu lịnh bà! Xin bà hãy gởi Bánh không Có đến
cho điện hạ”. Nghe vậy, bà mẹ suy nghĩ: “Con ta chưa hề nghe tiếng “không có” bao
giờ. Vậy nhân đây ta phải áp dụng cách nầy, dạy cho nó biết”.
Thế rồi, bà lấy một cái đĩa bằng vàng, đậy úp trên một cái đĩa không nữa cũng
bằng vàng và trao cho người hầu đem đi. Lúc đó chư thiên ngự trong thành ấy nghĩ
rằng: “Thái tử Anuruddha đã từng nhịn ăn phần ăn của mình trong một mùa đói kém
để cúng dường một vị tối thượng Độc Giác Phật thời quá khứ và đã phát nguyện: “Xin
cho tôi đừng bao giờ nghe đến tiếng không có. Xin cho tôi đừng bao giờ bận tâm biết
đến vấn đề lương thực”. Hôm nay, nếu để cho Thái tử thấy cái đĩa không thì chúng ta
còn mặt mũi nào về dự Đại hội chư thiên và có lẽ đầu chúng ta sẽ nứt ra làm bảy
mảnh”.
Nghĩ rồi, chư thiên lấy những bánh trời đặt vào đầy đĩa cho Thái tử Anuruddha.
Khi vị tùng giả mang đĩa đến chỗ sân đánh cầu, Thái tử đến giở ra, thì mùi bánh
thơm ngon sực nức bay lan khắp cả châu thành. Thái tử cắn thử một miếng ngậm vào
miệng, nghe hương vị thanh thoát lạ thường, không thể tả sao cho xiết.
Khi ấy Thái tử Anuruddha nghĩ rằng: “Từ trước mẹ ta không yêu ta, nên chưa có
lần nào người làm thứ bánh Không Có nầy cho ta ăn. Kể từ đây về sau, ta nhứt định
không thèm dùng thứ bánh nào khác nữa”.
Thái tử đi ngay về nhà, bảo mẹ rằng:
- Thưa mẹ! Mẹ có yêu con hay không?
- Mẹ có yêu quý con ví như người chột mắt quý con mắt sáng của mình, hay như
mọi người yêu quý quả tim của mình vậy con à.
- Thế sao hồi đó tới giờ, chưa có lần nào mẹ làm thứ bánh Không Có cho con ăn
hở mẹ?
Bà mẹ quay lại hỏi người hầu Thái tử:
- Nầy con! Con thấy trong đĩa có chút gì không?
- Tâu lịnh bà! Đĩa đầy bánh, toàn là thứ bánh lạ từ trước tới giờ con chưa được
thấy.
Bà mẹ lẩm bẩm: “Con ta quả thật là một bậc đại phước, đại lộc, đã tạo nhân lành
từ đời kiếp trước, cho nên chư thiên mới để bánh đầy đĩa gởi đến cho nó như thế”.
Ông hoàng con lại nũng nịu, nói với mẹ rằng:
- Thưa mẹ, từ rày về sau con nhứt định không ăn thứ bánh gì khác hết, mẹphải
làm ròng một thứ bánh Không Có cho con ăn nghe mẹ.
Kể từ ngày ấy, mỗi khi Anuruddha đòi ăn bánh thì bà mẹ lại y như trước, lấy cái
đĩa không đậy úp lên một cái đĩa không khác, rồi gởi lên cho con.
Trong suốt thời gian Thái tử còn ở trong gia đình, chư thiên vẫn hằng cung cấp
bánh trời cho Thái tử như thế mãi. Vì không bận tâm lo nghĩ đến những nhu cầu về
vật chất cho nên dầu là một vấn đề thông thường, Thái tử cũng không biết rõ, nói chi
đến chuyện xuất gia.
Khi nghe Thái tử Mahānāma hỏi, Anuruddha không đáp lời anh, mà còn hỏi lại:
- Xuất gia nghĩa là đi làm gì vậy hoàng huynh?
Thái tử giải thích sơ lược rằng: “Cạo bỏ râu tóc, khoác bộ y vàng, nằm ván cứng
giường thô, đi trì bình khất thực, sống một đời sống không gia đình, như thế gọi là
xuất gia vậy”.
Nghe vậy, Thái tử Anuruddha đáp:
- Vậy thì hoàng huynh ơi! Em chỉ quen sống an nhàn dục lạc, em không xuất gia
hành đạo được đâu.
- Vậy thì em hãy ráng học tập công nghệ (Kammantā) rồi ở lại nhà, để anh đi
xuất gia cho gia đình ta khỏi thất hứa.
Hoàng tử Anuruddha lại hỏi:
- Hoàng huynh! Anh vừa nói đến hai tiếng công nghệ, thế nghĩa là gì vậy hoàng
huynh?
Lệ thường, các con nhà quyền quý, không ai léo hánh đến các chỗ nấu ăn, mó
tay vào việc cơm nước, bếp núc bao giờ, có đâu mà biết quán xuyến công nghệ gia
đình cho được.
Cho đến vật thực hằng ngày, các vị vương tử cũng không biết xuất xứ từ đâu.
Cho nên, có một hôm giữa ba vị Hoàng tử có một câu hỏi sau đây được nêu lên: “Đố
biết vật thực ta ăn, từ đâu mà có?”.
Kimbila bảo: “Từ nhà kho mang lại”. Bhaddiya vội cãi: “Biểu đệ không biết nên
nói sai rồi, vật thực nầy trong nồi múc ra”. Anuruddha nhất định nói rằng: “Cả hai
biểu huynh đều nói trật hết. Vật thực nầy là do dĩa ngọc chén vàng phát sanh ra”.
Theo tục truyền, sở dĩ ba Thái tử giải thích khác nhau, đó là mỗi vị chấp theo
quan kiến của mình.
Kimbila thường xuyên thấy người ta vào kho, lấy lúa đem ra xay, cho nên mới
cho là vât thực từ kho mang lại.
Bhaddiya có lúc thấy người ta bới cơm từ trong nồi ra, cứ tưởng là vật thực từ
trong nồi múc ra.
Còn Anuruddha chưa từng thấy ai xay lúa, nấu cơm rồi bới ra, chỉ thấy vật thực
đã dọn sẵn trên chén dĩa trong giờ ăn, nên quả quyết rằng: “Vật thực phát sanh từ nơi
chén dĩa”.
Thật ra, ba vị con nhà quý tộc nầy cũng chưa biết rõ vật thực xuất xứ từ đâu.
Do đó, Hoàng tử Anuruddha mới hỏi lại anh mình câu hỏi:
- Tiếng công nghệ nghĩa là chi vậy hoàng huynh?
Thái tử Mahānāma giải thích rằng: “Từ đầu mùa lo dọn đất nhất là cày bừa
ruộng nương rồi lo trồng trọt lúa, bắp, đậu, mè... Kế đến cuối mùa thì lo gặt hái phơi,
nhập vào kho tích trữ... Mỗi năm, năm nào cũng phải làm đi làm lại bấy nhiêu công
việc đồng áng như vậy”.
Nghe vừa dứt lời, Anuruddha nói thầm rằng: “Chà! Công việc gia đình làm biết
bao giờ mới hết và biết đến bao giờ ta mới được rảnh rang để toại hưởng phú quý vinh
hoa”.
Sau khi nêu rõ lý do là: “Công việc gia đình làm mãi cũng không rồi” Hoàng tử
cương quyết thưa với anh:
- Thôi hoàng huynh cứ ở lại nhà mà lo công nghệ gia đình, còn em không thích
làm những việc ấy đâu!
Nói rồi, Hoàng tử đi tìm thân mẫu và thưa rằng:
- Thưa mẹ! Xin phép mẹ cho con đi xuất gia.
Anuruddha đến xin ba lần, bà mẹ cũng không cho phép. Sau cùng bà đưa ra điều
kiện nầy: “Nếu bạn con là vua Bhaddiya cùng đi xuất gia với con thì mẹ chấp thuận
ngay”.
Nghe vậy, Anuruddha đến gặp bạn mình và thưa rằng:
- Tâu hoàng huynh! Tiểu đệ vì kẹt có hoàng huynh mà chậm trễ đi xuất gia.
Hoàng tử cứ đeo theo năn nỉ và đưa ra nhiều lý do để thúc đẩy, giục nhà vua.
Nên sau cùng đức vua Bhaddiya hẹn trong bảy hôm nữa sẽ đi xuất gia một lượt.
Rồi đó, đức vua Bhaddiya trong dòng họ Sakya (Thích Ca) hiệp với Anuruddha,
Ānanda, Bhagu, Kimbila và Devadatta. Tất cả là sáu vị Sát Đế Lỵ cùng với ông thợ
cạo Upāli nữa là bảy người. Trong bảy ngày liên tiếp chung nhau tận hưởng mọi lạc
thú vinh sang trong đời, như những chư thiên nơi miền Cực lạc.
Đến ngày khởi hành, bảy vị xuất gia được quân binh hộ giá rầm rộ tiến lên, y
như các đấng quân vương ngự du trong vườn Thượng Uyển, đi đến biên thùy, bảy vị
ấy ra lịnh cho đoàn quân hộ tống trở về, rồi cùng nhau lần lượt vượt qua giới tuyến, đi
sang địa phận quốc gia khác.
Nơi đây, sáu vị Hoàng tử cởi bỏ hết trang sức đeo trên mình ra, bỏ thành một
đống, kêu ông thợ cạo và bảo: “Nầy Upāli! Bạn hãy thu hết của nầy và trở lại xứ nhà,
bấy nhiêu đây chắc cũng đủ cho bạn sống một cuộc đời bạn được”.
Ông Upāli sụp lạy tạ các vị hoàng gia, khóc lóc bịn rịn. Vì không dám cãi lịnh
các chủ cũ, ông buộc lòng đứng dậy, xách gói bảo vật quảy lên vai, rồi quay chân trở
lại.
Sáu vị vương giả đứng nhìn theo bóng ông thợ cạo trở về cố quốc, ai ai cũng đều
lưu luyến ngậm ngùi, thật là:
Não nùng theo cảnh chia phôi,
Rừng cây ủ dột, núi đồi tang thương.
Trên nẻo đường về, ông vừa đi chậm vừa suy nghĩ rằng:
“Dòng Thích Ca xưa nay vẫn có tiếng là hung hãn (Caṇḍa), nếu họ tưởng lầm ta hạ sát các Hoàng tử nầy mà đoạt của báu thì thế nào họ cũng giết ta bỏ mạng vả lại các vương gia Thích Tử nầy đã vứt bỏ những đồ trang sức quý giá của họ, như là nhổ cục nước miếng, để được rảnh rang đi tu, thì ta dại gì chẳng noi theo gương ấy”.
Nghĩ vậy, ông cởi đồ trang sức đang quảy trên vai ấy, đem treo lên trên một
nhánh cây và nói: “Ai cần dùng thì cứ lấy” rồi ông hối hả chạy theo các vị đi xuất gia.
Thấy ông chạy theo, các vị ấy ngừng lại hỏi:
- Sao ông còn trở lại?
Ông Upāli bèn tỏ thật cảm nghĩ và quyết định của mình. Các vị Hoàng tử bèn dắt
luôn ông đi theo, đến đảnh lễ Đức Thế Tôn và bạch rằng: “Bạch Ngài, dòng họ Thích
Ca của chúng ta vẫn thường có tính ngã mạn. Người nầy đã từng phục dịch chúng ta
lâu năm, xin Ngài hãy cho ông ta xuất gia trước nhất, để chúng tôi cung kính lễ bái
ông theo bậc Sư huynh, ngõ hầu phá bỏ cái tánh ngã mạn của chúng tôi”.
Tiếp theo lời thỉnh cầu ấy, Đức Bổn Sư cho ông Upāli xuất gia đầu tiên, rồi lần
lượt đến phiên sáu vị Hoàng tử.
Trong nhóm Tỳ khưu mới nầy, Đại đức Bhaddiya đắc Tam Minh (Tevijjā) trong
mùa hạ đầu, Đại đức Anuruddha trước đắc Thiên Nhãn Thông (Dibbacakkhu), rồi sau
đó đắc A La Hán do nhờ nghe bài Kinh Mahāpurisa vitakka, Đại đức Ānanda đắc quả
Tu Đà Hườn, hai vị Đại đức Bhagu và Kimbila trong thời gian sau nhờ tinh cần hành
thiền Minh Sát (Vipassanā) cũng đều đắc quả A La Hán, Devadatta thì đắc Thần
thông phàm (Puthujjhanikaṃiddhiṃ).
Sau đó một thời gian, khi Đức Bổn Sư ngự tại thành Kosambi thì có rất nhiều lợi
lộc phát sanh đến Đức Như Lai và Thánh chúng. Hằng ngày thiện tín nườm nượp đến
chùa, đem theo lễ vật trọng thể đến để cúng dường và hỏi thăm Đức Thế Tôn ngự nơi
đâu? Đức Sāriputta ở đâu? Đại đức Mahā Kassapa ở đâu?
Họ vừa đi vòng quanh nhìn vào chỗ tám mươi vị Thinh Văn và luôn miệng hỏi
thăm Đại đức Bhaddiya ở đâu? Đại đức Anuruddha ở đâu? Đại đức Kimbila ở đâu?
Các Tỳ khưu vị nào cũng được mọi người săn đón, nhưng không ai nghe hỏi về
Đại đức Devadatta ngồi ở đâu? Hoặc đứng tại đâu cả?
Thấy không ai lưu ý đến mình, Đại đức tự ti mặc cảm, nghĩ thầm rằng: “Ta cũng
đồng xuất gia một lượt với những Tỳ khưu ấy, họ là dòng dõi Sát Đế Lỵ xuất gia, ta
cũng là dòng dõi Sát Đế Lỵ, thế sao họ được người đời săn đón trọng hậu, còn ta thì
không có ma nào động đến tên! Bây giờ ta biết ai là người mà ta có thể làm cho phát
tâm trong sạch để họ cúng dường đến ta?”.
Khi ấy, Đại đức Devadatta tính thầm: “Với Bimbisāra đã đắc Tu Đà Hườn một
lượt với mười một muôn vị tùy gia trong buổi sơ ngộ với Đức Thầy, ta không thể hiệp
tác được. Với vua Kosala, ta cũng không thể liên kết. Chỉ còn Thái tử Ajātasattu (A
Xà Thế), con của vị chúa tể một quốc gia cường thịnh mới là người mà ta thu phục để
làm bạn tri kỷ vậy”.
Sau khi quyết định như vậy, Devadatta rời Kosambi đi đến thành Rājagaha
(Vương Xá), tự biến hình thành một thanh niên, khắp mình quấn đầy những con độc
xà, hai con làm vòng tay, hai con làm kiềng chân, một con làm kiềng cổ, một con đội
trên đầu, một con vắt vào bên vai.
Đại đức từ trên hư không đáp xuống với cách trang bị bằng rắn như thế, ngồi
trên bắp vế của Thái tử Ajātasattu.
Thái tử giật mình kinh hãi, kêu lên rồi hỏi rằng:
- Ngươi là ai?
- Ta là Devadatta.
Nói rồi, để cho Thái tử hết sợ, Đại đức liền hiện nguyên hình là một vị Tỳ khưu
có đầy đủ tam y nhất bát đứng ngay trước mặt Thái tử, làm cho Thái tử phát tâm trong
sạch, từ đó bắt đầu cúng dường lễ vật đầy đủ mọi thứ.
Khi được cúng dường trọng hậu rồi, Đại đức Devadatta cũng chưa toại nguyện,
Đại đức còn mong rằng: “Ta sẽ đứng ra lãnh đạo Tăng chúng” tà niệm vừa phát khởi
trong tâm thì các pháp thần thông (iddhi) cùng với Tứ Thần Túc (catuppāda) của
Devadatta tự nhiên biến mất.
Đại đức Devadatta trở về Veḷuvana, đến chỗ cư ngụ của Đức Bổn Sư, nhằm lúc
Ngài đang thuyết pháp, có đức vua cùng hàng tứ chúng ngồi nghe, Đại đức đảnh lễ
Đức Bổn Sư rồi đứng dậy chắp tay thỉnh cầu rằng: “Bạch Thế Tôn! Hiện nay Ngài đã
già nua, niên kỷ cao tường rồi, không còn hoạt bát như xưa. Vậy Ngài cũng nên nhàn
cư tịnh lạc cho yên thân, tôi nguyện sẽ đứng ra lãnh đạo chư Tăng, xin Ngài giao cho
tôi lèo lái con thuyền Giáo hội”.
Nghe qua mấy lời đường đột khiếm nhã ấy, Đức Thế Tôn không thể nào chấp
nhận được.
Bất mãn vì bị từ chối, Devadatta bỏ ra đi, tuy ngoài miệng làm thinh, nhưng
trong thâm tâm đã buộc oan trái với Đức Như Lai kể từ khi ấy.
Liền đó vâng lệnh Đức Thế Tôn, chư Tăng nhóm tất cả thiện tín trong thành
Rajāgaha và đọc tuyên ngôn không thừa nhận Đại đức Devadatta là người của Giáo
hội Tăng Già nầy nữa. Hay tin nầy, Devadatta nói rằng: “Kể từ giờ phút nầy, ta đã bị
Sa môn Gotama sa thải rồi, ta phải lập tâm báo thù, rửa cái nhục nầy mới được”.
Nói rồi, Devadatta đến hội kiến với Thái tử Ajātasattu, kiếm cách dẫn dụ rằng:
“Tâu điện hạ, đời xưa con người trường thọ nhưng đời nay chẳng ai sống được lâu,
chẳng lẽ điện hạ ở mãi cái địa vị làm ông hoàng con cho đến khi xuống lỗ. Vậy tốt
hơn điện hạ nên lo thí phụ vương mà soán đoạt ngôi trời, còn ta thì sẽ lo hạ sát Đức
Thế Tôn mà tranh giành quả Phật”.
Sau khi dụ hoặc được Thái tử Ajātasattu, Devadatta thuê bốn người nam bản xứ
đi hành thích Đức Như Lai, nhưng họ đã đắc quả Tu Đà Hườn và họ trở về không
Thấy mưu sự bất thành, Devadatta tự mình leo lên núi Gijjhakūṭa (Linh Thứu)
lăn đá xuống, cố ý đoạt mạng Đức Thế Tôn, nhưng chỉ làm cho người trầy da chảy
máu.
Chưa hả giận, Devadatta lại lừa dịp, phóng thích thớt tượng Nāḷāgiri để cho nó
đến chà đạp Đức Thế Tôn. Thấy tượng hung hăn chạy lại, Đại đức Ānanda đứng ra
cản đường, quyết liều mạng mình mà cứu Đức Bổn Sư, nhưng Đức Giáo Chủ chỉ rải
lòng từ (mettā) thu phục được voi dữ, ngự ra khỏi thành và trở về Tịnh xá bình yên vô
sự.
Ngày ấy, hàng ngàn thiện tín câu hội tổ chức đại lễ Trai Tăng, sau đó trước sự
hiện diện của hầu hết dân cư trong thành Rājagaha, độ cho tám muôn bốn ngàn chúng
sanh giác ngộ Chánh Pháp (dhammābhisamayo).
Chư Tăng đều ca tụng lòng dũng cảm của Đại đức Ānanda đã dám liều mình cản
đường một con voi dữ đang nổi cơn điên để che chở Đức Bổn Sư.
Nghe vậy, Đức Thế Tôn dạy rằng: “Nầy các Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu
tiên Ānanda dám liều mình vì Như Lai đâu”. Theo lời thỉnh cầu của chư Tăng, Đức
Thế Tôn bèn dẫn lại điển tích nói về hai con thiên nga với con cua
(Cullahaṃsamahāhaṃ sakakkaṭaka).
Cơ mưu của Devadatta mong lòng hại Phật, cả ba lần đều bị thất bại cả ba,
nhưng hai lần trước là thuê người ám toán và lăn đá phi tang đều còn âm thầm, chỉ
còn có sự phóng thích voi điên là quá lộ liễu, nên đã làm chấn động tất cả quần chúng
và thấu đến tai đức vua.
Thiên hạ đồn đãi rùm lên: “Nào là Devadatta thuê người hành thích Phật, lăn đá
đè Phật, bây giờ còn manh tâm thả voi Nāḷāgiri ra để hãm hại Đức Phật nữa. Tội ác
tày trời như thế phải đưa ra quốc vương xử trị mới được”.
Đức vua nghe dân chúng dị nghị quá, bèn ra lịnh chấm dứt sự cúng dường năm
trăm nồi cháo sữa và từ đó tuyệt giao, không hộ độ cho Devadatta nữa. Đã vậy, những
nhà thiện tín trong thành cũng nghĩ luôn, không ai còn để bát cho ông ta.
Không kham nhẫn với sự thiếu thốn lợi lộc, Devadatta vì mưu đồ sinh kế, lại dở
trò quỷ quyệt đến đảnh lễ Đức Bổn Sư và xin quyết năm điều.
Đức Thế Tôn phán rằng: “Thôi đi ông hỡi! Devadatta, Tỳ khưu nào muốn ở
trong rừng thì cứ ở rừng, Tỳ khưu nào muốn ở xóm thì cứ ở trong xóm”.
Chụp ngay lấy cớ Đức Bổn Sư không chấp thuận năm điều thỉnh nguyện của
mình, Devadatta rêu rao lên rằng: “Các đạo hữu ơi! Giữa Như Lai và ta, ai là người
nói lời thanh bạch (vacanaṃ sobhaṇaṃ). Với thật tâm muốn bảo tồn Chánh Pháp, ta
đã nói rằng: “Bạch Ngài! Xin Ngài chế định cho chư Tỳ khưu mãi mãi suốt đời nương
theo năm pháp là ngụ ở trong rừng, đi bát mà ăn, mặc y phấn tảo, ngồi dưới cội cây,
không dùng thịt cá, thế mà Ngài không chấp nhận lời ta”.
Vậy bạn nào muốn giải thoát trần lao, xin cứ theo ta mà hành đạo”. Nói rồi, ông
ta bỏ đi.
Nhiều Tỳ khưu mới xuất gia, kém hiểu biết cho rằng: “Đại đức Devadatta nói
phải lắm, chúng ta nên nương tựa theo Đại đức mà hành đạo cao thượng”. Rồi họ
nhập một đoàn với ông ta.
Với số năm trăm Tỳ khưu tách ra đi theo mình, Devadatta hành theo năm điều kể
trên, làm ra vẻ rách rưới lang thang, thọ thực nơi các gia đình trong sạch với người tu
khổ hạnh và quyết tâm chia rẽ Giáo Hội Tăng Già.
Hay tin nầy, Đức Thế Tôn triệu tập Thinh Văn hội và chất vấn ông ta: “Nầy
Devadatta, nghe đồn ông lập tâm chia rẽ Tăng, ý muốn phá hoại Giáo hội phải
không?”.
Devadatta xác nhận rằng: “Quả thật vậy, bạch Thế Tôn”.
- Nầy Devadatta, chia rẽ Tăng là một tội nặng. – Đức Bổn Sư tiếp theo là huấn
từ, chỉ dạy những hậu quả của sự chia rẽ và sự hòa hiệp.
Devadatta không đếm xỉa gì đến kim ngôn ngọc ngữ của Đức Thầy, bỏ phòng
nhóm ra đi một nước.
Khi gặp Đại đức Ānanda đang đi trì bình khất thực trong thành Rājagaha, ông ta
kêu Đại đức và nói nhắn: “Nầy đạo hữu Ānanda! Kể từ nay ta sẽ hành lễ Phát lồ (lễ
sám hối của chư Tỳ khưu) và hành Tăng sự riêng biệt, không cần có Đức Thế Tôn và
không cần có Tăng chúng nữa”.
Đại đức Ānanda trở về Tịnh xá, bạch lại chuyện với Đức Thế Tôn, khi nghe hết
đầu đuôi, Đức Thế Tôn động lòng bi mẫn than rằng: “Devadatta đã phá hoại con
đường Thiên giới, tự mình tạo nghiệp Vô gián để sau phải chịu thiêu đốt trong địa
ngục A tỳ”. Ngài trầm tư một lúc rồi ngâm kệ lên rằng:
“Sukarāni asādhūni,
Attano ahitāni ca;
Yaṃ ve hitañca sādhuñca,
Taṃ ve paramadukkaranti!”.
“Dễ làm việc bất lương,
Và tự chịu tai ương,
Còn việc phước việc thiện,
Lại khó làm phi thường”
Dứt bài kệ Pháp Cú 163. Đức Thế Tôn lại đọc tiếp một bài kệ ngẫu hứng
(Udāna) như vầy:
“Sukaraṃ sādhunā sādhu,
Sādhu pāpena dukkaraṃ;
Pāpaṃ papena sukaraṃ,
Pāpamariyehi dukkaranti”.
“Thiện nhơn hành thiện dễ dàng thay!
Ác nhơn hành thiện khó chi tày!
Ác nhơn hành ác như chơi giỡn.
Thánh nhơn hành ác chẳng quen tay”
Nói về Devadatta, chờ đến ngày làm lễ phát lồ vào trong chỗ kiết giới, ngồi qua
một phía cùng với đồng lõa của mình, rồi tuyên bố rằng: “Sư nào ưng hành theo năm
điều do tôi đề xướng thì xin biểu quyết bằng cách rút thăm”. Năm trăm Tỳ khưu mới
tu, con dòng Vajjī vì ít cảm mến Đức Thế Tôn nên đã đồng tình bỏ Đức Bổn Sư mà
theo về phe Devadatta.
Chia rẽ Tăng rồi, ông ta dắt các Tỳ khưu phe mình đi về phía Gayāsīsa (Tượng
Đầu Sơn).
Khi nghe tin Devadatta đi về xứ ấy, Đức Bổn Sư phái hai vị Thủ Thinh Văn đến
đó để dắt những Tỳ khưu kia trở về. Hai vị Đại đệ tử vâng lời ra đi, đến nơi trổ hết tài
nghệ đặc biệt của mình, một vị thuyết pháp, một vị thì thi thố thần thông, dẫn độ cho
năm trăm vị Tỳ khưu mới tu kia đều được nếm hương vị Niết Bàn. Rồi dắt nhau bay
về Tịnh xá.
Khi ấy, Devadatta đang nằm ngủ, Kokālika là Tỳ khưu đồng lõa trong việc chia
rẽ Tăng vội kêu ông ta dậy: “Dậy đi, đạo hữu Devadatta. Sāriputta và Moggallāna đã
dắt cả đoàn Tỳ khưu của đạo hữu đi hết rồi”.
- Tôi đã căn dặn đạo hữu rồi mà, đừng có tin tưởng bọn Sāriputta và Moggallāna.
Bọn nầy có nhiều tà tâm tư ý, chưa thoát khỏi vòng nô lệ của những dục vọng xấu xa
đê hèn.
Nói rồi, Kokālika lấy đầu gối thúc mạnh vào ngực của Devadatta, ngay quả tim
ông ta, đã làm ông ta ói máu tươi ra tại chỗ.
Chư Tăng ở chùa thấy Đại đức Sārīputtta và Moggallāna dẫn đoàn Tỳ khưu theo
đường hư không bay về thì bạch với Đức Thế Tôn: “Bạch Ngài, Đại đức Sāriputta lúc
đi chỉ có một mình Moggallāna là bạn đồng hành, bây giờ trở về dắt theo một đoàn
Tăng lữ, coi thật là huy hoàng xán lạn”.
Đức Bổn Sư đáp: “Nầy các Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu tiên mà Sāriputta
có vẻ huy hoàng xán lạn! Thời quá khứ, khi còn mang lớp thú, con của Như Lai cũng
từng trở về với Như Lai đầy vẻ huy hoàng như thế”. Thuyết đến đây Đức Bổn Sư đọc
bài kẹ Bổn Sanh Lakkhaṇa (Con Tướng):
“Hoti sīlavataṃ attho,
Paṭisaṇṭhāra vuttinaṃ;
Lakkhaṇaṃ passa āyataṃ,
Ñātisaṅghapurakkhataṃ;
Atha passasinaṃ kālaṃ,
Suvihīnaṃva ñātibhīti”.
“Kẻ giới đức tính tình thân thiện,
Sống một đời vinh hiển cao sang.
Hãy xem con Tướng huy hoàng,
Dẫn đầu quyến thuộc hiên ngang trở về.
Rồi nhìn lại ê chề buồn bã.
Con thời kia mất cả thân bằng”.
Kế đó, chư Tăng bạch rằng:
- Bạch Ngài nghe đồn Devadatta có đặt để hai vị Tỳ khưu làm Thủ Thinh Văn,
ngồi hai bên mình bắt chước Ngài mà phát ngôn rằng: “Ta nay sẽ thuyết pháp độ đời,
đem ân huệ của một vị Đại Giác mà ban bố cho tất cả chúng sanh”.
Nghe vậy, Đức Bổn Sư đáp: “Nầy các Tỳ khưu! Đây không phải mới lần thứ
nhất đâu, trong thời quá khứ ông ta đã từng cố gắng bắt chước Như Lai và cũng đã
thất bại rồi”.
Nói đoạn, Đức Bổn Sư ngâm bài kệ Bổn Sanh Nadīcarakāka (Giang Hành Điểu).
“Api vīraka passesi,
Sakuṇaṃ mañjubhāṇakaṃ;
Mayūragīvasaṅkāsaṃ,
Patiṃ mayhaṃ saviṭṭhakaṃ.
Udakathalacarassa pakkhino,
Niccaṃ āmakamacchabhojino;
Tassānukaraṃ saviṭṭhako,
Sevāle paliguṇṭhito mato’ti”.
“Quạ hùng ơi! Người đi đâu đó,
Có gặp chim, cầm cố giống công,
Tiếng kêu lảnh lót đẹp lòng,
Tên Xa Biệt Thác là chồng của ta,
Dầu dưới nước hay là trên bộ,
Thấy chim kia hăng độ cá tươi,
Chồng cô bắt chước như người,
Không may vướng rễ rong tươi chết chìm”.
Dứt bài kệ ngôn Bổn Sanh, Đức Bổn Sư kể luôn sự tích con quạ hùng (Vīraka)
cho chư Tăng nghe. Những ngày sau đó, Đức thầy cũng còn đề cập đến chuyện trên
đây, khi Ngài ngâm kệ Bổn Sanh:
“Acāri vatāyaṃ vitudaṃ vanāni,
Kaṭṭhaṅgarukkhesu asārakesu;
Athāsadā khadiraṃ jālasāraṃ,
Yatthābhidā raruḷo uttamaṅganti ca,
Lasī ca te nipphalitā,
Katthako ca vidālito;
Sabbā te phāsuka bhaggā,
Dāni samma virocasīti”.
“Đi khắp rừng tung hoành khoét đục,
Những cây mềm nhánh mục gãy tan.
Gặp keo lõi cứng mổ càn,
Ô hô! Kim sí vỡ toang cả đầu.
Đại bàng nay còn đâu,
Óc người văng tứ phía,
Sọ người nứt hai đầu,
Sườn người đều gãy lọi,
Trông người thật đáng sầu”.
Tiếp qua ngày sau, khi nghe lời bình phẩm: “Devadatta là kẻ bội ơn”. Đức Bổn
Sư lại thuyết Tích Bổn Sanh mà ngâm kệ rằng:
“Akaramhā va te kiccaṃ,
Yaṃ balaṃ ahuvamha se;
Migarāja namo tyatthu,
Api kiñci lābhamha se.
Māma lohitabhakkhassa,
Niccaṃ luddāni kubbato;
Dantantaragato santo,
Taṃ bahuṃ yampi jīvasīti”.
“Lộc vương con việc chi cứ bảo,
Thân hết lòng nguyện báo ơn Ngài,
Trung thành chẳng dám đơn sai,
Ơn trên xuống phước một hai chàng nào?
Ta cần uống máu đào để sống,
Và luôn luôn bạo động mà thôi,
Răng ta đã ngậm miếng mồi,
Nãy giờ người sống nhiều rồi còn chi?”.
Và một lần nữa, nhân nhắc đến Devadatta có tâm sát hại Đức Bổn Sư, Ngài lại
ngâm kệ Bổn Sanh và thuyết tích con hoẵng (một thứ nai), kệ rằng:
“Ñātametaṃ kuruṅgassa,
Yaṃ tvaṃ sepaṇṇi seyyasi;
Aññaṃ sepaṇṇiṃ gacchāmi,
Na me te ruccate phalanti”.
“Hoẵng đã biết việc nầy đích thật,
Trái Xê ban, ngươi vất xuống mà,
Cây kia ta hãy băng qua,
Cây nầy quả chẳng ưa ta chút nào”.
Lại một hôm khác, nhân nghe chư Tăng bình luận bảo nhau: “Devadatta đã mất
hai điều lợi ích là lợi lộc và phẩm vị Sa môn”. Đức Bổn Sư bèn dạy rằng: “Nầy các
Tỳ khưu, đây không phải mới lần đầu Devadatta đã mất cả hai đường lợi ích như thế”.
Nói rồi, Ngài ngâm kệ và thuyết tích Bổn Sanh Ubhatobhaṭṭha (Tham thì thâm).
“Akkhī bhinnā paṭo naṭṭho.
Sakhīgehe ca bhaṇḍanaṃ;
Ubhato paduṭṭhakammantā.
Udakamhi thalamhi cati”.
“Mặt bị nổ, áo quần tiêu hết,
Vợ lăng loàn gia thất rã tan,
Hai nơi sự nghiệp tiêu tan,
Dưới sông cũng hỏng, trên ngàn cũng hư”.
Cứ như thế, trong thời gian cư ngụ trong thành Rājagaha (Vương Xá), Đức Bổn
Sư đã thuyết rất nhiều kinh và tích Bổn Sanh đề cập đến Devadatta. Sau đó, Ngài rời
thành Rājagaha, ngự sang thành Sāvatthī (Xá Vệ) và an ngự tại Đại Tự Jetavana (Kỳ
Viên).
Về phần Devadatta, bị bịnh nằm liệt giường suốt chín tháng, sau cùng muốn gặp
Đức Bổn Sư, ông bảo đệ tử của ông rằng: “Ta muốn yết kiến Đức Thế Tôn, các trò
hãy làm sao đưa ta đến gặp Ngài”.
- Bạch Ngài! – Đệ tử đáp – lúc bình thời Ngài cột oan trái với Đức Bổn Sư, nên
đã bỏ ra đi, chúng tôi sẽ không đưa Ngài trở về gặp Đức Bổn Sư đâu!
vọng vì không được sám hối với Đức Bổn Sư. Thật ra ta có buộc oan trái với Ngài,
nhưng ngược lại Ngài đối với ta không mảy may có chút thù hằn”.
Nói đến đây, Devadatta, đọc lên bài kệ rằng:
“Vadhake devadattamhi,
Core aṅgulimālake;
Dhanapāle Rāhule ca,
Sabbattha samamanasoti”.
“Với sát nhân Đề Bà,
Hoặc tướng cướp Vô Não,
Hộ tài Ra Hầu La,
Ngài hằng bình đẳng đạo”.
Rồi ông khẩn khoản yêu cầu: “Hãy đưa hộ ta đến bái kiến Đức Bổn Sư đi các trò
ơi”. Sau cùng nhóm đệ tử ông đặt ông lên cái chõng và kiêng ông đi.
Nghe tin Devadatta đang trở về Tịnh xá, chư Tăng vào bạch Đức Thế Tôn:
“Bạch Đức Thế Tôn! Nghe đồn rằng Devadatta trở lại đây để yết kiến Ngài”.
- Nầy các Tỳ khưu! Trong kiếp hiện tại nầy (attabhāva) ông ta không thể vào
thấy mặt Như Lai đâu.
(Có thuyết cho rằng: Vị Tỳ khưu nào đã xin giữ năm điều của Devadatta thì từ
đó về sau luôn luôn không còn gặp Đức Phật nữa).
Chư Tăng lần lượt báo tin lên Đức Bổn Sư: “Bạch Ngài, ông ta tới chỗ kia… chỗ
nọ”.
- Ông ta muốn làm gì thì làm, nhưng ông ta không giáp mặt được Như Lai đâu.
Chư Tăng vẫn tiếp tục thông tin: “Ông ta về còn cách đây độ một do tuần… độ
nữa do tuần… Bạch Ngài, ông ta đã về đến hồ sen trong Tịnh xá Jetavana”.
- Dầu cho đã về trong vòng chùa Jetavana nầy, y cũng không giáp mặt được Như
Lai đâu.
Các Tỳ khưu khiêng Devadatta về đến hồ sen trong chùa, bèn để giường xuống
bên hồ và xuống hồ tắm rửa. Khi ấy, Devadatta tự mình ráng ngồi dậy, định bước
xuống giường, vừa đặt chân đứng lên thì ông ta bị đất sụp lún mất hai bàn chân, kế
đến hai mắt cá, rồi hai đầu gối, hai bắp vế, lần tới ngực, cuối cùng khi xương quai
hàm của ông nằm ngang mặt đất thì ông góp hết hơi tàn đọc lên bài kệ tuyệt mạng sau
đây:
“Imehi aṭṭhīhi tamaggapuggalaṃ,
Devātidevaṃ naradammasārathiṃ;
Samantacakkhuṃ satapuññalakkhaṇaṃ,
Pāṇehi buddhaṃ saraṇaṃ gatosmīti”.
“Bằng hơi sót với xương tàn trên đất,
Con quy y cùng Đức Phật tuyệt luân.
Chúa chư Thiên, thầy huấn luyện nhân quần,
Bậc Phổ Nhãn, có tướng thuần trăm đức”.
Tới giai đoạn nầy, có giả thuyết cho rằng: “Đức Như Lai đã làm lễ cho
Devadatta xuất gia Tỳ khưu lại vì Ngài nghĩ rằng: “Nếu không như vậy thì ông ta chỉ
là người cư sĩ, không có hy vọng giữ được đức tin Tam Bảo trong ngày vị lai và chịu
đựng hậu quả nặng nề của tội ngũ nghịch mà ông đã phạm”.
Khi ông đã được xuất gia lại rồi, thì dù cho nghiệp quả có nặng nề đi nữa, ông
vẫn còn giữ được đức tin và nhẫn nại mà chịu đền tội, do đó Đức Bổn Sư đã cho ông
xuất gia lại”.
(Về sau khi mãn một trăm ngàn đại kiếp của quả địa cầu, Devadatta ta sẽ đắc quả
Bích Chi Phật (Paccekabuddha), tức là Phật Độc Giác, có hồng danh là Aṭṭhissara.)
Sau khi bị đất rút chôn sống, Devadatta đọa sanh vào địa ngục Vô gián bề rộng
một trăm do tuần, thân hình ông ta cũng vươn lên cao một trăm do tuần, đầu của ông
ta lọt vào một cái lọ bằng sắt (ayaka palla) chụp đến vành tai, chân ông ta đứng trên
một cái nền cũng bằng sắt lún tới ngang mắt cá, một cây đòn sắt lớn bằng cây thốt nốt
từ trong bức tường phía Tây, xỉa ra đâm thẳng vào phía lưng thủng qua tới trước ngực
ông ta rồi cắm luôn vào bức tường phía Đông.
Một cây đòn sắt khác, từ bức tường phía Nam xỉa ra đâm thẳng hông bên phải,
thấu qua hông bên trái của ông ta, rồi cắm luôn vào bức tường phía Bắc. Lại có một
cây đòn sắt khác, từ nơi cái lọ sắt từ nơi cao đâm thủng xương sọ, thấu qua mình ông
ta cắm luôn xuống nền bằng sắt.
Nơi hỏa ngục mà ông phải chịu khổ hình trong tư thế bất động như vậy, khi ấy
giữa Tăng chúng, câu hỏi sau đây được nêu lên để làm đề tài cho một cuộc bình luận
khác: “Từ phương trời xa xăm, Devadatta được về đến nơi đây mà không được giáp
mặt Đức Thế Tôn. Lại còn bị đất chôn sống nữa”. Nghe vậy, Đức Bổn Sư minh định
rằng: “Nầy các Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu mà Devadatta đắc tội với Như Lai
và bị đất chôn sống đâu, trước kia ông ta cũng có lần bị đất rút như thế rồi”.
Để chứng minh, Đức Bổn Sư nhắc lại câu chuyện đã xảy ra trong một tiền kiếp
của Ngài, khi Ngài mang lớp tượng chúa: “Thưở ấy, Ngài chỉ đường cho một kẻ lạc
lối, cho hắn trèo cỡi lên lưng Ngài, đưa hắn ra đến nơi an toàn, về sau hắn phủi ơn
Ngài. Trở lại ba lần, lần đầu để cưa khúc chót cái ngà của Ngài, lần kế cưa khúc giữa
của ngà, lần cuối cưa sát tận gốc ngà, làm cho ngài phải đổ máu. Kẻ bội bạc ấy đi
khuất tầm mắt Ngài, thì liền bị đất sụp chôn sống ngay”. Dứt chuyện dĩ vãng, Đức
Bổn Sư ngâm bài kệ vịnh Bổn Sanh giới đức tượng (sīlavanāga) để vịnh như sau:
“Akataññussa posassa,
Niccaṃ vivaradassino;
Sabbañce paṭhaviṃ dajjā
Neva naṃ abhirādhayeti”.
“Đối với phường vong ân phản phúc,
Thường chớ khi nước đục thả câu,
Dẫu đem tất cả địa cầu,
Tặng y, y cũng tóm thâu chưa vừa”.
Sau khi nghe hết tích chuyện ấy, chư Tăng vẫn còn bàn luận về vấn đề Devadatta
bị đất rút tái đi tái lại mãi. Nhân đó, Đức Bổn Sư thuật lại thêm một Bổn Sanh, trong
đó tiền thân Devadatta là vua Kālābura cũng bị đất rút chôn sống vì đắc tội với đạo sĩ
Khantivādi, là tiền thân của Ngài. Devadatta còn bị đất rút chôn sống trong một tiền
kiếp nữa khi ông ta là vua Mahā Patāpa (Đại Huy Hoàng) đã tạo tội đối với tiền thân
của Đức Bổn Sư là Bồ Tát Culladhammapāla. Tích nầy Đức Bổn Sư cũng có kể cho
chư Tăng nghe.
Việc Devadatta bị đất sụp chôn sống làm cho dân chúng ai cũng vui mừng thỏa
thích. Họ tự động treo cờ xí hoặc cột lá chuối phất phơ, châm đầy các lu và đổ nước
đầy các đồ chứa, đoạn cử hạnh đại lễ ăn mừng và nói: “Ông ấy chết quả thật là một
đại lợi cho nhà ta”.
Khi chư Tỳ khưu đem chuyện nầy tường trình lên Đức Thế Tôn, Ngài cho rằng:
“Nầy các Tỳ khưu, đây không phải là lần đầu tiên mà dân chúng ăn mừng cái chết của
Devadatta, thời dĩ vãng dân chúng của đã thỏa thích về cái chết của ông ta như thế”.
Để chứng minh, Đức Phật thuật lại tiền tích đức vua Piṅgala (Cát Huỳnh) ở
thành Bārāṇasī, là một vị vua độc tài chuyên chế, có cặp mắt vàng sậm mà tất cả
muôn dân đều ta thán, cho nên ai ai cũng ăn mừng khi được tin nhà vua hung tàn bạo
ngược nầy băng hà và Đức Bổn Sư đọc luôn bài kệ Piṅgala như sau:
“Sabbo jano hiṃsito piṅgalena,
Tasmiṃ mate paccayaṃ vedayanti;
Piyo na te āsi akaṇhanetto,
Kasmā tvaṃ rodasi dvārapāla.
Na me piyo āsi akaṇhanetto,
Bhāyāmi paccāgamanāyā tassa;
Ito gato hiṃseyya maccurājaṃ,
So hiṃsito āneyya naṃ puna idhāti”.
“Triều Cát Huỳnh triệu sanh linh đồ thán,
Bạo chúa băng, dân thoát nạn âu ca.
Môn quan ơi! Ngài khóc phải chăng là,
Vì mến tiếc chúa băng hà huỳnh mục.
Ta với hắn không chút tình cốt nhục,
Ta chỉ e hắn bình phục hồi sinh,
Đây hắn đi khủng bố chúa Diêm Đình,
Người sợ họa, hườn hồn linh hắn lại”.
Cuối cùng, chư Tăng còn bạch hỏi Đức Bổn Sư: “Bạch Ngài! Hiện giờ
Devadatta thọ sanh về đâu?”.
- Nầy các Tỳ khưu! Ông ta hiện ở trong đại địa ngục Vô gián (Avīci).
- Bạch Ngài, lúc sống ông ta than thở nhiều rồi, mà sau khi chết ông ta còn đi thọ
sanh vào chỗ cực hình để than thở nữa hay sao?
Để kết luận, Đức Bổn Sư ngâm kệ ngôn Pháp Cú sau đây:
“Idha tappati pecca tappati,
Pāpakārī ubhayattha tappati; “Pāpaṃ me katan”ti tappati, Bhiyyo tappati duggatiṃ gatoti”.
Nay than, đời sau than,
Kẻ ác, hai đời than;
Than rằng: "Ta làm ác"
Đọa cõi dữ, than hơn".
Comentarios