top of page
Ảnh của tác giảKinh Pháp Cú

Tích Truyện Kinh Pháp Cú 19,20 - HAI VỊ TỲ KHƯU BẠN

Đã cập nhật: 12 thg 7





19.“Bahumpi ce sahitaṃ bhāsamāno,

Na takkaro hoti naro pamatto;

Gopo’va gāvo gaṇayaṃ paresaṃ,

Na bhāgavā sāmaññassa hoti”.

Nếu người nói nhiều kinh, Không hành trì, phóng dật; Như kẻ chăn bò người, Không phần Sa môn hạnh.

20.“Appampi ce sahitaṃ bhāsamāno,

Dhammassa hoti anudhammacārī;

Rāgañca dosañca pahāyamohaṃ,

Sammappajāno suvimuttacitto;

Anupādiyāno idha vā huraṃ vā,

Sa bhāgavā sāmaññassa hoti”.

Dầu nói ít kinh điển, Nhưng hành pháp, tùy pháp, Từ bỏ tham, sân, si, Tĩnh giác, tâm giải thoát, Không chấp thủ hai đời, Dự phần Sa môn hạnh.


Kệ Pháp Cú nầy (19 – 20), Đức Bổn Sư thuyết ra khi ngự tại Đại Tự Jetavana, đề

cập đến hai người bạn cùng xuất gia một lượt.


Thời ấy, ở thành Sāvatthī, có hai vị công tử kết bạn với nhau, sau khi đi chùa

nghe Đức Bổn Sư thuyết pháp, họ bèn từ bỏ ngũ trần dục lạc cùng nhau quy ngưỡng

giáo lý của Đức Thầy rồi xuất gia luôn.


Khi mãn thời hạn năm năm nương nhờ các vị Cao Tăng, Đại đức (A Xà Lê và

Trưởng lão). Hai bạn Tỳ khưu cùng đến đảnh lễ Đức Thế Tôn bạch hỏi về pháp chủ

yếu của bậc xuất gia.


Nge Đức Thế Tôn giảng giải rành mạch về Pháp hành (Vipassanā dhura) và

Pháp học (Gantha dhura), một vị nói:


- Bạch Ngài! Con vì lớn tuổi mới xuất gia, chắc không kham kiện toàn Pháp học,

nhưng Pháp hành thì con có thể thành tựu viên mãn.


Thế rồi vị ấy xin Đức Bổn Sư chỉ dạy cách hành thiền, gia công gắng sức tu tập,

nên đắc A La Hán quả với Tuệ phân tích.


Còn vị kia lại bạch rằng: “Bạch Ngài, con sẽ thành tựu được Pháp học”. Sau khi

lần lượt học hết Phật ngôn, thông suốt Tam Tạng vị nầy đi đến đâu cũng đem sở học

của mình ra mà thuyết pháp giảng đạo, chú giải kinh điển, thu phục được năm trăm Tỳ

khưu đệ tử và trở thành vị Pháp sư, cầm đầu mười tám đoàn Tăng lữ đông đảo.


Nhiều Tỳ khưu, sau khi thọ giáo đề mục thiền định nơi Đức Bổn Sư, cùng nhau

đến đạo tràng của vị Thiền sư nói trên để mong nương nhờ hành đạo. Nhờ hết lòng

vâng giữ hành theo những huấn từ của vị thầy chỉ dẫn (ācāriya), tất cả đều đắc quả A

La Hán. Sau đó, chư Tăng đến đảnh lễ vị Thiền sư và bạch: “Bạch Ngài, chúng tôi

muốn đến yết kiến Đức Bổn Sư”. Vị Thiền sư tiễn biệt chư Tăng và dặn rằng: “Chư

hiền hữu cứ đi đi và cho ta kính lời đảnh lễ Đức Bổn Sư và tám mươi vị Đại Thinh

Văn và hãy nhân danh ta mà vấn an Đại đức Pháp Sư bạn ta giùm một chút”.

 


- Các Tỳ khưu về đến Tịnh xá vào đảnh lễ Đức Bổn Sư và tám mươi vị Đại

Thinh Văn đệ tử Phật, xong rồi liền đi tìm Đại đức chuyên về Pháp học và bạch rằng:

“Bạch Ngài! Thầy chỉ dẫn của chúng con có lời đảnh lễ Ngài”.


Vị Pháp sư hỏi: “Thầy của các ông là ai?”.


- Bạch Ngài! Đó là vị Tỳ khưu bạn của Ngài.


Mấy lần đầu, khi nhận được tin của vị Tỳ khưu bạn cũ nhắn thăm như thế thì vị

Pháp sư còn nhắn lại được. Nhưng về sau hết tốp nầy đến tốp kia, những đệ tử của vị

Thiền sư cứ đem tin về mãi, khiến cho vị Pháp sư không dằn tâm ngã mạn được mỗi

khi nghe chư Tỳ khưu bạch đi bạch lại rằng: “Thầy của chúng con kính lời đảnh lễ

Ngài”.


Vị Pháp sư hỏi: “Thầy của các ông là ai?”.


- Bạch Ngài! Đó là vị Đại đức bạn cũ của Ngài.


Nghe đáp như vậy vị Pháp sư cật vấn các đệ tử của bạn mình rằng: “Các ông đã

học được những gì nơi thầy của các ông, có học được bộ nào trong các kinh, nhất là

Trường Bộ Kinh không? Có được Tạng nào trong tam tạng chưa?...”.


Rồi vị Pháp sư tự nói thầm: “Ông sư nầy chẳng thuộc nổi bài kệ Tứ cú nào mà

cũng dám làm thầy dạy người ta. Vừa xuất gia ông ta liền thọ pháp Đầu đà, mặc y

phấn tảo, ngự luôn trong rừng, quy tụ cho thật nhiều đệ tử, để khi ông về giáp mặt ta

sẽ chất vấn ông ta vài câu mới được”.


Sau đó, một thời gian vị Thiền sư trở về để bái yết Đức Bổn Sư, có ghé qua gởi y

bát của mình nơi vị Pháp sư bạn cũ.


Sau khi đảnh lễ, thỉnh an Đức Bổn Sư và tám mươi vị đại Trưởng lão, Thiền sư

trở về chỗ ngụ của Pháp sư. Đại đức nầy chào đón bạn của mình đúng theo phép của

vị trụ trì đối với khách Tăng, xong rồi mới ngồi ngang hàng, trong bụng tính thầm:

“Ta sẽ chất vấn ông sư nầy mới được”.


Trong khi ấy, Đức Bổn Sư biết rõ tâm lý của vị trụ trì Pháp sư, Ngài nghĩ rằng:

“Nếu để Tỳ khưu nầy làm khổ con Như Lai như thế, thì ông ta sẽ sa địa ngục”.


Động lòng bi mẫn, muốn ra tay tế độ, Đức Thế Tôn làm như đi quan sát quanh

ngôi Tịnh xá rồi ngự ngay đến nơi chỗ hai Tỳ khưu bạn đang ngồi đàm đạo, Ngài ngự

lên Phật Bảo tọa đã được dành soạn sẵn.


(Chư Tăng giữ lệ: Thường thường trước khi ngồi luận đạo bất cứ nơi đâu cũng

phải dọn sẵn một Bảo tọa để dành phòng khi Đức Phật ngự đến thình lình. Vì thế, Đức

Bổn Sư đến là ngự ngay lên Phật Bảo tọa đã dọn sẵn).


Khi an tọa, Đức Bổn Sư bèn hỏi vị Tỳ khưu chuyên về Pháp học (Ganthika

bhikkhu) một câu hỏi về Sơ thiền (Pathamajjhāna) vị Pháp Sư chịu bí không trả lời

được (Tasmiṇ akathite). Đức Bổn Sư lần lượt hỏi tiếp về các pháp siêu nhân

(Uttarimanussa dhamma) khác, từ Nhị thiền lên cao đến Bát thiền, từ thiền Hữu sắc

đến thiền Vô sắc.



Vị Đại đức chuyên về Pháp học chịu phép bí luôn không đáp được câu nào cả

(Ganthikattheropi ekampi kāthetuṃ nāsakkhi).


Kế đó, Đức Bổn Sư lại chất vấn về Tu Đà Hườn đạo vị Pháp sư cũng không đáp

được. Đức Bổn Sư quay qua hỏi vị Đại đức Lậu Tận, Đại đức giải đáp trôi chảy hết.


Đức Bổn Sư hết sức hoan hỷ, tán dương rằng: “Lành thay! Lành thay!”. Đoạn

Ngài hỏi tiếp về Tư Đà Hàm đạo, A Na Hàm đạo, A La Hán đạo.


Vị Đại đức Pháp sư không trả lời được câu nào cả, còn vị Đại đức A La Hán thì

mỗi câu mỗi trả lời một cách rành mạch.


Cứ mỗi lần vị Thiền sư đáp trúng thì Đức Bổn Sư lại hoan hỷ tán dương:

“Sādhu! Lành thay!” và tất cả chư Thiên, từ quả địa cầu cho đến cõi Đại Phạm Thiên,

luôn cả Long Vương và Kim Sí Điểu (suppaṇṇa) đều đồng thanh hoan hô vang dậy:

“Lành thay! Lành thay!”.


Đức Bổn Sư khen vị Thiền sư bốn lượt như vậy, sau khi nghe tiếng “Sādhu!

Lành thay!” lần cuối cùng, nhóm thị giả và đệ tử của vị Pháp sư đều bất bình, than

phiền trách móc rằng: “Tại sao Đức Bổn Sư lại làm như vậy, vị Đại đức già dốt kia có

biết chi đâu mà Đức Bổn Sư Ngài lại quá khen lão sādhu đến bốn lượt như thế. Còn vị

Pháp sư là thầy của chúng ta đã thuộc nằm lòng tất cả Phật ngôn trong Tam Tạng lại

là vị Tăng trưởng của năm trăm Tỳ khưu thì Ngài chẳng tán thưởng lần nào cả”.


Nghe chư Tăng đang xầm xì to nhỏ, Đức Bổn Sư quay lại hỏi rằng: “Nầy các Tỳ

khưu! Các ông đang nói chi đó vậy”, nghe chư Tăng đáp xong Đức Bổn Sư dạy rằng:

“Nầy các Tỳ khưu! Giáo sư của các ông đang ở trong Giáo pháp của Như Lai chẳng

khác nào mục đồng chăn giữ bò cái cho người, còn con của Như Lai thì giống như

chủ đàn bò, có thể tùy thích thọ dụng năm thứ phẩm vị của bò (pañcagorasa)”.


Nói xong, Đức Thế Tôn ngâm hai bài kệ dưới đây:


“Bahumpi ce sahitaṃ bhāsamāno,

Na takkaro hoti naro pamatto;

Gopo’va gāvo gaṇayaṃ paresaṃ,

Na bhāgavā sāmaññassa hoti”.


“Appampi ce sahitaṃ bhāsamāno,

Dhammassa hoti anudhammacārī;

Rāgañca dosañca pahāyamohaṃ,

Sammappajāno suvimuttacitto;

Anupādiyāno idha vā huraṃ vā,

Sa bhāgavā sāmaññassa hoti”.


Nếu người nói nhiều kinh,

Không hành trì, phóng dật;

Như kẻ chăn bò người,

Không phần Sa môn hạnh.


Dầu nói ít kinh điển,

Nhưng hành pháp, tùy pháp,

Từ bỏ tham, sân, si,

Tĩnh giác, tâm giải thoát,

Không chấp thủ hai đời,

Dự phần Sa môn hạnh.





581 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page