top of page
Ảnh của tác giảKinh Pháp Cú

Tích Truyện Kinh Pháp Cú 35 - VỊ TỲ KHƯU Ở THỦY LƯU THÔN

Đã cập nhật: 12 thg 7



“Dunniggahassa lahuno, Yatthakāmanipātino; Cittassa damatho sādhu, Cittaṃ dantaṃ sukhāvahanti”.

Khó nắm giữ, khinh động,

Theo các dục quay cuồng.

Lành thay, điều phục tâm;

Tâm điều, an lạc đến.

Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài ngự tại Tịnh xá Jetavana

(Tịnh xá Kỳ Viên), đề cập đến một vị Tỳ khưu.


Tương truyền rằng: Nơi miền sơn cước, thuộc lãnh thổ vương quốc Kosala, có

một ngôi làng tên Mātikagāma (Thủy Lưu thôn), là một địa phương cư dân trù mật.


Một lần nọ, có sáu mươi vị Tỳ khưu xin Đức Bổn Sư khẩu truyền đề mục niệm

cho đắc A La Hán quả. Rồi cùng nhau đi kiếm nơi hành đạo và đồng vào khất thực

trong Mātikagāma.


Khi ấy, vị thân mẫu của thôn trưởng Mātikagāma trông thấy chư Tăng, bèn rước

thỉnh vào nhà, mời ngồi đàng hoàng rồi dâng cúng các thực phẩm thượng vị. Sau đó,

bà bạch hỏi rằng: “Bạch Đại đức Tăng, chẳng hay quý Ngài định đi đến đâu?”.


- Nầy bà đại tín nữ, chư Tăng đi tìm chỗ thuận tiện, thuận cảnh.


Bà đại tín nữ hiểu ngay là: “Ý các Ngài muốn tìm kiếm chỗ để an cư”. Bà liền

sụp xuống đảnh lễ và yêu cầu:


- Nếu quý Ngài lưu lại nơi đây trong ba tháng an cư nầy, tôi sẽ xin thọ trì Tam

quy và Ngũ giới và thọ luôn Bát giới vào những ngày Bát quan trai.


Chư Tăng bảo nhau: “Chúng ta nương nhờ bà nầy khỏi phải đi khất thực, chắc có

thể hành đạo đến nơi rốt ráo được”. Thế là chư Tăng hoan hỷ nhận lời.


Bà đại tín nữ lo cất lên một ngôi đạo tràng Tịnh xá rồi cúng dường đến chư

Tăng.


Một hôm nọ, sau khi đã ở yên, chư Tăng tập hợp đông đủ và cùng khuyến dụ lẫn

nhau rằng: “Nầy chư huynh đệ, chúng ta không nên hành đạo một cách dể duôi cẩu

thả. Quả thật, tám cảnh địa ngục đang mở rộng cửa chờ kẻ dể duôi, như chờ đón ông

chủ sắp trở về nhà. Vả lại, chúng ta đã thọ giáo đề mục do chính Đức Phật hiện thế

khẩu truyền rồi mới đến đây. Ân huệ của chư Phật chúng ta không thể nào hưởng

bằng cách gian dối được. Ta hãy là người không phóng dật, ta không nên đứng hay

ngồi hai vị một chỗ với nhau. Buổi tối, trong giờ phục dịch các vị Trưởng lão, và buổi

sáng trong giờ đi khất thực chúng ta sẽ họp mặt nhau. Ngoài ra trong những thời khác,

chúng ta không nên ở chung hai vị trong một chỗ. Thảng như có vị Tỳ khưu nào thân

thể bất an, đến đánh kẻng ở giữa đạo tràng để kêu gọi, chúng ta nghe tiếng hiệu lịnh sẽ

đến lo thuốc men, săn sóc vị ấy”.


Sau khi đồng ý, chư Tăng giữ đúng theo lời giao ước, mỗi vị ở riêng một nơi để

hành đạo.


Thế rồi, một hôm vào buổi sáng, bà đại tín nữ dẫn cả đoàn tôi tớ và gia đinh

mang theo những thứ thuốc ngừa bệnh như bơ, đường… đi vào Tịnh xá. Vào đến nơi,

bà không thấy vị Tỳ khưu nào cả, bà hỏi những người lân cận:


- Các Ngài đi đâu hết cả rồi?


- Chắc các Ngài đang ngồi riêng nơi chỗ hành đạo của mình.


Nghe đáp như vậy, bà lại hỏi:


- Ta phải làm sao mới gặp được các Ngài đây?


Khi ấy, có một người hiểu biết nội quy giao ước của chư Tăng, mới thưa rằng:

“Thưa bà! Hễ nghe tiếng kẻng thì chư Tăng sẽ hội lại”.


Bà đại tín nữ liền sai gia nhân đánh kẻng.


Chư Tỳ khưu nghe được tín hiệu bất thường, nghĩ chắc có vị Tỳ khưu nào thọ

bịnh nên kêu gọi, bèn rời chỗ ngụ riêng biệt của mình, tập trung vào Tịnh xá. Khi đi

thì mỗi vị từ mỗi ngã đến, không ai đi chung đường với ai. Bà đại tín nữ thấy vậy, lấy

làm lạ, nghĩ thầm: “Chắc là các con trai của ta (Mamaputta) đã sanh sự bất hòa với

nhau”.


Sau khi đảnh lễ Đại đức Tăng, bà hỏi:


- Bạch chư Đại đức, các ngài sanh sự bất hòa phải chăng?


- Chư Tăng không có sự bất hòa đâu, nầy bà đại tín nữ.


- Bạch các Ngài, nếu các ngài không sanh sự bất hòa thì tại sao khi mới đến nhà

chúng tôi, tất cả các Ngài cùng đi chung, còn bây giờ thì các ngài từ chỗ ngụ riêng rẽ,

mỗi Ngài đi một mình đến đây?


- Nầy bà đại tín nữ, chư Tăng đang hành Sa môn pháp, thì mỗi vị phải ở riêng

mỗi nơi.


- Bạch các Ngài! Sa môn pháp đó là cái chi?


- Nầy bà đại tín nữ, chư Tăng niệm đề mục ba mươi hai thể trược và quán sự

sanh diệt của danh sắc.



- Bạch các Ngài! Sự niệm ba mươi hai thể trược và quán sự sanh diệt của danh

sắc như vậy, đó là công việc riêng của các Ngài hay là của cả chúng tôi nữa?


- Nầy bà đại tín nữ, pháp đó Đức Thế Tôn không cấm đoán ai cả.


- Thế thì xin các Ngài hoan hỷ dạy chúng tôi niệm ba mươi hai thể trược và quán

sự của danh sắc.


Chư Tăng bèn đem pháp Thiền Chỉ - Quán truyền dạy tất cả cho bà đại tín nữ

học tập.


Từ đó về sau, bà đại tín nữ lo chăm niệm ba mươi hai thể trược xong, quán luôn

sự sanh diệt của danh sắc trong tự ngã, liền chứng đắc đạo quả A Na Hàm trước cả

chư Tăng, đồng thời bà cũng đạt được tứ phân tích với thần thông thắng trí.


Sau khi hưởng thụ hương vị đạo quả, bà dùng thiên nhãn quan sát xem thử coi:

“Chừng nào các con trai của ta mới đạt đến pháp nầy?”. Bà thấy rằng: “Tất cả chư

Tăng đều chưa đắc thiền định đạo quả chi hết. Vì tâm còn vướng tham, sân, si”. Bà lại

quán xét xem: “Các con trai ta có căn lành chứng đắc A La Hán chăng?”. Bà thấy

rằng có, bà lại quán xét thử: “Chỗ ngụ có được thích hợp chăng?”. Bà thấy rằng chỗ

ngụ thích hợp, bà lại tìm xét rằng: “Bạn lữ có thích hợp chăng?”. Bà lại thấy rằng bạn

lữ thích hợp.


Khi quán đến vật thực có thích hợp chăng, bà lại thấy rằng: “Vật thực chẳng

thích hợp với chư Tăng!”.


Từ đó về sau, bà lo nấu dọn nhiều thứ khác nhau, vô số thứ kẹo ngọt, nhiều món

ăn mới lạ đặc biệt, rồi thỉnh chư Tăng vào ngồi trong nhà, xối nước khai mạc lễ cúng

dường và ngỏ lời yêu cầu là:


- Bạch chư Đại đức, các Ngài cần dùng món nào, xin cứ tự tiện lấy món đó mà

độ đi.


Được lời thỉnh cầu, chư Tăng thọ dụng món cháo, cơm hay vật thực chi khác,

tùy theo sở thích.


Nhờ độ vật thực thích hợp, các Ngài hành thiền đắc định tâm (ekaggaṃ cittaṃ),

với tâm định các Ngài càng tăng tiến pháp Minh Sát (Vipassanā), không bao lâu

chứng đạt A La Hán quả. Khi ấy, chư Tăng nghĩ rằng: “Quả thật, nhờ ơn bà đại tín nữ,

chúng ta mới thành đạt được như vầy, nếu thiếu vật thực thích hợp thì chúng ta chẳng

hưởng thụ được Đạo Quả. Bây giờ chờ khi ra hạ, tự tứ Tăng rồi, chúng ta sẽ trở về yết

kiến Đức Bổn Sư”.


Đến khi mãn mùa hạ, chư Tăng đến từ giã bà đại tín nữ:


- Hôm nay chư Tăng chúng tôi định về yết kiến Đức Bổn Sư.


Bà đáp: “Lành thay! Bạch các Ngài”.



Nói rồi, bà theo tiễn chân, đưa chư Tăng đi một đỗi đường, vừa thốt lên những

ưu ái, bà còn nói:


- Bạch các Ngài, xin các Ngài có dịp nào rảnh thì các Ngài đến thăm viếng, nhắc

nhở chúng tôi.


Khi chư Tăng về đến Tịnh xá Jetavana, gần thành Sāvatthī, sau khi đảnh lễ Đức

Bổn Sư, ngồi qua một bên xong. Đức Bổn Sư phán hỏi: “Nầy các Tỳ khưu! Các ông

hành đạo có kham nhẫn không? Có khỏi phải đi bát vất vả không?”. Chư Tỳ khưu

đáp:


- Bạch Ngài, chúng con hành đạo kham nhẫn và tự túc dễ dàng. Bạch Ngài,

chúng con khất thực không bao giờ vất vả. Thật vậy, nhờ một bà đại tín nữ là mẹ của

thôn trưởng ở Mātikagāma biết được tâm niệm của chúng con mỗi khi chúng con ước

muốn: “Chà phải chỉ mình được cúng dường món ăn danh sắc như thế!”, thì bà liền

đem cúng dường món ăn mà chúng con ước muốn ngay.


Chư Tỳ khưu hết lời tán dương công đức của bà đại tín nữ.


Một vị Tỳ khưu nọ, được nghe chư Tăng nhập hạ tại Mātikagāma, tán dương

công hạnh của bà đại tín nữ. Cũng muốn đến đó hành đạo, bèn xin thọ giáo đề mục

thiền định nơi Đức Bổn Sư và bạch rằng: “Bạch Ngài, con sẽ đi đến làng

Mātikagāma”.


Sau khi bái biệt Đức Bổn Sư, Tỳ khưu nầy khởi hành từ Jetavana du hành lần hồi

đến làng Mātikagāma, vào ngồi trong Tịnh xá, nghĩ rằng: “Nghe đồn bà đại tín nữ nầy

có Tha tâm thông. Nay ta đã đến đây, đi đường xa mệt mỏi, không thể quét dọn Tịnh

xá được, phải chi bà gởi một người nam đến cho phục dịch bần tăng”.


Bà đại tín nữ đang ngồi ở nhà, quán thấy tư tưởng của vị Tỳ khưu mới đến, bèn

gọi một gia đinh vào bảo:


- Nầy con, hãy vào Tịnh xá, phụ đỡ công việc cho vị Đại đức đi.


Tên gia đinh vâng lịnh chủ, vào quét dọn trong Tịnh xá. Khi ấy, vị Tỳ khưu khát

nước, bèn ước rằng: “Chà, phải chi bà ấy có nước giải khát gởi đến cho ta dùng nhỉ?”.


Bà tín nữ liền gởi nước giải khát.


Vị Tỳ khưu lại ước: “Phải chi sáng ngày mai bà tín nữ đến cúng dường ta cháo

nấu thật nhừ với thực phẩm hảo hạng”.


Bà đại tín nữ cũng làm thỏa mãn vị ấy. Độ cháo xong rồi, Tỳ khưu lại ước: “Chà,

phải chi bà có thứ kẹo bánh ngọt đó thì gởi đến cúng dường cho ta”.


Bà đại tín nữ lại cho người mang thứ bánh kẹo đó đến dâng. Vị Tỳ khưu lại nghĩ

rằng: “Ta ao ước bất cứ thứ gì, bà tín nữ ấy đều gởi đến cả. Bây giờ ta muốn gặp mặt

bà, phải chi bà cho người mang cúng dường đến ta thứ vật thực thượng vị, còn bà thì

đi tay không đến đây”.


Bà tín nữ kêu gọi gia đinh: “Con trai ta muốn gặp mặt ta. Vậy các con hãy chờ ta

cùng đi một lượt”.


Cho gia đinh mang theo vật thực, bà đi đến Tịnh xá cúng dường vị Tỳ khưu. Độ

xong bữa, vị Tỳ khưu hỏi bà đại tín nữ:


- Phải bà là Mātikamātā chăng?


- Bạch Ngài, phải.


- Nầy bà đại tín nữ, bà có Tha tâm thông phải chăng?


- Bạch Ngài, tại sao Ngài lại hỏi ta như thế?


- Tôi ước trong tâm vật nầy, vật nọ, thấy sao bà làm đúng theo tất cả, nên mới

hỏi bà như thế.


- Bạch Ngài, chư Tỳ khưu biết được tâm người khác cũng có nhiều vị.


- Nầy bà đại tín nữ, tôi không hỏi người khác, tôi chỉ hỏi mỗi một mình bà thôi.


Mặc dầu có Tha tâm thông, nhưng bà đại tín nữ cũng không khoe khoang “Tôi

biết được tâm người khác”, bà chỉ trả lời: “Nầy con trai (Putta), những ai có Tha tâm

thông thường làm như thế đó”. Nghe vậy, vị Tỳ khưu lo ngại rằng: “Quả thật vậy, việc

nầy chướng ngại cho ta quá, còn là phàm nhơn thì trong tâm còn có những tư tưởng

quàng xiên ô trược, lẫn lộn với những tư tưởng chơn chánh thanh cao. Nếu rủi mà ta

nghĩ đến điều không phải, thì cũng bị bà nầy thấu rõ tới tim đen của ta, y như kẻ trộm

bị người nắm chóp mai, bắt được với tất cả tang vật. Vậy ta phải chạy cho xa chỗ

nầy”.


Nghĩ rồi, vị Tỳ khưu bảo bà Mātikamātā rằng:


- Nầy bà tín nữ, tôi sẽ ra đi ngay bây giờ.


- Bạch Đại đức, Ngài đi đâu?


- Tôi trở về với Đức Bổn Sư, bà tín nữ à.


- Bạch Ngài! Xin thỉnh Ngài hãy ở lại đây.


- Tôi không thể ở lại đây đâu. Nầy bà tín nữ, tôi nhất định sẽ ra đi.



Nói rồi, vị Tỳ khưu ra khỏi Tịnh xá, lên đường trở về chỗ ngụ của Đức Bổn Sư.


Khi vị Tỳ khưu về đảnh lễ Đức Bổn Sư, Ngài phán hỏi:


- Nầy Tỳ khưu, ông không còn ở lại tại chỗ ấy sao?


- Vâng, bạch Ngài con không thể ở tại chỗ ấy được


- Tại cớ nào vậy, Tỳ khưu?


- Bạch Ngài! Bà tín nữ ấy có Tha tâm thông, biết rõ cả những tư tưởng của người

khác, con còn là phàm nhân, còn có những ý nghĩ thanh cao xen lẫn với những dục

vọng bất hảo. Nếu như con nghĩ tưởng đến điều chi sái quẩy, sợ e bà ấy biết rõ tâm

xấu của con, như người ta nắm lấy chóp mao của kẻ gian phi với tang vật. Vì vậy, con

không dám ở đó, phải trở về đây.


- Nầy Tỳ khưu! Nếu quả như thế thì ông nên ở lại nơi đó.


- Bạch Ngài, con không thể trở lại nơi đó nữa.


- Nầy Tỳ khưu, có thể ở lại nơi đó được, nếu ông có thể gìn được một vật.


- Bạch Ngài, vật chi?


- Cái tâm của ông. Tâm là vật rất khó kềm giữ, nhưng ông phải cố gắng chế ngự

nó, đừng nghĩ tưởng đến việc nào khác. Tâm là vật khó bắt giữ được.


Nói đoạn Đức Bổn Sư ngâm lên kệ ngôn:


“Dunniggahassa lahuno,

Yatthakāmanipātino;

Cittassa damatho sādhu,

Cittaṃ dantaṃ sukhāvahanti”.


Khó nắm giữ, khinh động,

Theo các dục quay cuồng.

Lành thay, điều phục tâm;

Tâm điều, an lạc đến.



175 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page