“Dhammārāmo dhammarato, Dhammaṃ anuvicintayaṃ; Dhammaṃ anussaraṃ bhikkhu, Saddhammā na parihāyati”. | "Vị tỷ-kheo thích pháp, Mến pháp, suy tư Pháp. Tâm tư niệm chánh Pháp, Không rời bỏ chánh Pháp." |
Kệ ngôn nầy Bậc Đạo Sư thuyết ra khi Ngài trú tại Tịnh xá Jetavana, đề cập đến Trưởng lão Dhammārāma.
Tương truyền rằng: Khi Đức Thế Tôn phán dạy rằng:
“Chỉ cần ba tháng nữa Như Lai sẽ viên tịch Níp bàn”.
Bấy giờ, ngàn vị Tỳ khưu vây quanh Ngài, trong số đó có những vị Phàm Tăng,
không cầm được giọt lệ thương xót từ phụ. Riêng các vị Thánh Vô Lậu thì phát sanh
Pháp động tâm rằng:
“Ôi! Các pháp thật là vô thường thay”.
Toàn thể chư Tăng bàn luận cùng nhau rằng:
- Chúng ta phải làm sao đây?
Các vị thường xuyên bàn luận cùng nhau tại nơi Giảng đường, từng nhóm họp
nhau bàn luận mãi vấn đề nầy. Riêng vị Tỳ khưu Dhammārāma suy nghĩ rằng: “Thế
Tôn sắp diệt độ mà ta thì chưa chứng đạt được Thánh Quả nào cả. Vậy ta hãy cố
gắng hành pháp Sa môn để diệt trọn vẹn lậu hoặc trước khi Đức Thế Tôn viên tịch”.
Tỳ khưu Dhammārāma không đi đến cùng với chư Tỳ khưu nữa, khi chư Tỳ
khưu hỏi: “Nầy Hiền giả! Hiền giả nghĩ sao?”.
Vị ấy vẫn im lặng. Và rồi, vị ấy độc cư suy niệm Pháp, được Bậc Đạo Sư hằng
thuyết. Chư Tỳ khưu bạch việc nầy lên Đức Thế Tôn rằng:
- Bạch Thế Tôn, Tỳ khưu Dhammārāma không có sự thương mến Đức Thế Tôn,
vị ấy không bàn luận với con rằng: “Được tin Đức Thế Tôn sẽ Níp Bàn sau ba tháng,
chúng ta sẽ làm thế nào bây giờ”.
Đức Thế Tôn cho gọi Tỳ khưu Dhammārāma đến hỏi rằng:
- Được nghe ngươi có hành động như thế, có thật vậy chăng?
- Bạch Thế Tôn! Có thật như vậy.
- Nầy Tỳ khưu! Do nhân chi ngươi lại hành động như thế?
- Bạch Thế Tôn, con được nghe tin Ngài sẽ Níp Bàn sau ba tháng nữa, nhưng
con chưa trừ tuyệt ái dục khi Ngài còn tại tiền, nên con cố gắng thực hành pháp để
chứng đạt A La Hán trước khi Ngài Níp Bàn. Do vậy con hằng suy niệm Pháp mà
Ngài đã thuyết giảng.
- Lành thay! Lành thay! Nầy chư Tỳ khưu, vị Tỳ khưu nào thương kính Như Lai,
hãy thực hành như Tỳ khưu Dhammārāma đó vậy. Thật vậy, nầy các Tỳ khưu, sự
cúng dường tràng hoa hay vật thơm... Không gọi là cúng dường ta, còn người thực
hành Pháp chân chánh mới gọi là người cúng dường Như Lai.
Comments