top of page
Ảnh của tác giảNguyễn Tùng Lâm

Tích Truyện Kinh Pháp Cú 47- VIḌŪḌABHA (LƯU LY VƯƠNG)

Đã cập nhật: 12 thg 7



Pupphāni h’eva pacinantaṃ,

Byāsattamanasaṃ naraṃ;

Suttaṃ gāmaṃ mahogho’va,

Maccu ādāya gacchati”.

Người nhặt các loại hoa,

Ý đắm say, tham nhiễm,

Bị Thần chết mang đi,

Như lụt trôi làng ngủ.


Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết ra khi Ngài an ngự tại Jetavana (Kỳ

Viên), đề cập đến vua Viḍūḍabha (Lưu Ly Vương) và đoàn tùy giá viễn chinh, đã chết

trôi vì nạn lụt.


Thưở ấy ở ba nước láng giềng có ba vị Đông cung Thái tử đồng trang lứa với

nhau: Thái tử Pasenadi (Ba Tư Nặc) con vua xứ Kosala (Kiều Tát La), Thái tử Mahāli

con dòng Licchavī xứ Vesāli và Thái tử Bandhula con vua Malla xứ Kusinārā.


Ba Thái tử cùng đi du học văn võ với một vị danh sư lừng danh ở thành

Takkasilā. Ba vị Thái tử gặp gỡ nhau trong một quán trọ ngoại thành. Sau khi hỏi

thăm nhau, biết rõ mục đích cuộc hành trình cùng danh tánh tông tích của nhau, họ

bèn kết nghĩa đệ huynh, và đồng đến xin nhập môn một lượt. Không bao lâu cả ba vị

Thái tử đồng song nầy văn ôn võ luyện đã đến mức tinh thông thuần thục. Đồng cùng

nhau bái tạ Sư trưởng ra đi, ai về xứ nấy.


Trong ba vị, Thái tử Pasenadi được phụ vương đẹp dạ, truyền ngôi cửu ngũ, sau

khi thấy Thái tử biểu diễn tài nghệ cho Ngài duyệt lãm.


Thái tử Mahāli thuộc dòng Licchavī, trong lúc biểu diễn vì dùng lực thái quá,

nên hai mắt bị nổ. Các vua Licchavī đồng thanh bảo rằng:


- Ôi! Thật chẳng may cho sư phó của chúng ta, Ngài đã bị mù cả đôi mắt, không

lẽ chúng ta bỏ ra rơi Ngài, chúng ta phải có bổn phận chăm lo phụng dưỡng Ngài mãn

đời mới trọn đạo thầy trò.


Các vua đồng ý tặng cho Thái tử chức Huỳnh môn quan, quyền trấn một cửa

cổng thành, trị giá một trăm ngàn đồng.


Nhậm chức rồi, Thái tử liền nhận năm trăm Thái tử dòng Licchavī đến xin thọ

giáo để học tập văn võ.


Thái tử Bandhula về nước Kusinārā để biểu diễn nghệ thuật. Các hoàng tộc dòng

Malla đích thân bó tre thành từng bó, mỗi bó là sáu mươi cây, ở giữa mỗi bó lại đệm

một giáo sắt, đoạn treo nó giữa hư không, hỏng mặt đất và thách Thái tử ném cho đứt

rơi xuống.


Thái tử bái Tổ xong rồi, cất mình phóng lên hư không cao tám mươi hắc tay.

Chân vừa rơi chấm đất, Thái tử hươi gươm chém tới lia lịa, đến bó tre cuối cùng, Thái

tử chợt nghe tiếng giáo sắt bị khua chạm lên, bèn hỏi: “cái gì thế?”



Khi biết được trong sáu mươi bó tre có đệm giáo sắt, Thái tử ném gươm khóc

rằng: “Trong tất cả thân bằng quyến thuộc của ta nơi đây, không một ai thương yêu ta

nói cho ta biết trước việc nầy. Nếu ta biết trước thì ta sẽ chém đứt cả sáu mươi bó tre

mà không cho phát lên tiếng khua chạm giáo sắt”.


Thái tử chạy lại thưa với phụ hoàng cùng mẫu hậu rằng:


- Tâu phụ vương và mẫu hậu! Xin hãy tru lục bọn nầy rồi trị quốc mới yên.


- Nầy vương nhi! Chiếu theo luật vua phép nước, không thể làm việc ấy được (vì

quyền trị quốc chỉ có thể truyền tử lưu tôn mà thôi).


Sau khi nài nỉ song thân nhiều phen không kết quả, Thái tử bèn yêu cầu: “Thế thì

phụ hoàng và mẫu hậu cho con sang xứ của bạn con”. Được mẹ cha chuẩn tấu, Thái tử

lên đường đến kinh thành Sāvatthī.


Quốc vương Pasenadi nghe tin Thái tử Bandhula ly hương sang nước mình, liền

ngự giá ra đến rước bạn ở ngoài thành, rất trọng thể. Về triều giao cho bạn giữ chức

Đại Nguyên soái, thống lãnh quân đội hoàng gia. Khi nhận chức rồi, Thái tử phái

người thân tín trở về Kusinārā rước cả phụ vương và mẫu hậu về cùng ở chung với

mình nơi thành Sāvatthī.


Một hôm, Quốc vương Pasenadi nhìn xuống đường phố khi Ngài đứng trên lầu

ngự của mình thấy chư Tỳ khưu lũ lượt vào thành thọ bát nơi nhà các đại thí chủ như

ông Anāthapiṇḍika, Cullānāthapiṇḍika, bà Visākhā, nàng Suppavāsā… Quốc vương

phán hỏi thị thần:


- Chư Đại đức đi đâu vậy?


- Tâu Bệ hạ! Mỗi ngày có độ hai ngàn vị Tỳ khưu đến nhà ông Anāthapiṇḍika để

dự lễ Trai Tăng hoặc thọ thực do thí chủ dâng cúng hợp pháp đến chư Tăng, rút thăm

hoặc là chư Tỳ khưu bịnh chẳng hạn. Nơi nhà của Trưởng giả Cullānāthapiṇḍika có

khoảng năm trăm vị đến thọ thực thường xuyên, nơi nhà của bà Visākhā và bà

Suppavāsā cũng như thế.


Nghe xong, đức vua phát tâm muốn làm người hộ Tăng, bèn ngự giá đến Tịnh xá

Jetavana cung thỉnh Đức Bổn Sư với một ngàn vị Tỳ khưu vào hoàng cung thọ thực.


Quốc vương đích thân đứng ra trông coi việc đặt bát cúng dường trọn cả bảy

ngày liền.


Đến ngày thứ bảy, đức vua đảnh lễ Đức Bổn Sư và yêu cầu:


- Bạch Ngài! Quả nhân xin thỉnh Ngài cùng năm trăm vị Tỳ khưu thường xuyên

thọ thực nơi Hoàng cung.


- Tâu đại vương! Chư Phật không bao giờ thọ thực thường xuyên một nơi, vì còn

nhiều chúng sanh chờ đợi các Ngài ngự đến.


- Nếu vậy xin Ngài phái một vị Tỳ khưu nào đó có thể đến hằng ngày.


Đức Thế Tôn giao phận sự nầy cho Đại đức Ānanda. Trong bảy ngày đầu, khi

chư Tăng đến Quốc vương đích thân ngự ra rước bát, đứng trông nom chỉ bảo cho nội

thần quyến thuộc hộ độ các Ngài rất chu đáo



Đến ngày thứ tám, Quốc vương vì long thể bất an, nên xao lãng phận sự hộ độ

chư Tăng, chư Tăng vào hoàng cung, không ai soạn sẵn chỗ ngồi, thỉnh các Ngài an

tọa và dâng cúng thực phẩm đến tay các Ngài. Chư Tăng bàn với nhau rằng:


- Trong hoàng cung vì thừa hành lịnh của đức vua, nên không ai dám tự chuyên,

đứng ra mời chư Tăng ngồi và phục dịch cả.


Vắng mặt Quốc vương, chắc chúng ta không thể nào đến đây lâu được.


Thế là nhiều vị bỏ ra đi.


Qua những ngày sau, Quốc vương cũng vẫn chểnh mảng như thế, nhiều vị Tỳ

khưu khác lại bỏ ra đi.


Qua những ngày sau đó, tình trạng cũng chẳng lấy làm khả quan hơn, thế là tất

cả năm trăm Tỳ khưu đều lần lượt ra đi cả. Chỉ còn lại một mình Đại đức Ānanda

(những bậc đại phúc đức bao giờ cũng đầy đủ uy tín, giữ đức tin trong sạch của hàng

tại gia cư sĩ. Đệ tử của Đức Như Lai trong hàng xuất gia có Đại đức Sāriputta, Đại

đức Moggallāna là hai Thượng Thinh Văn, Tỳ khưu Ni Khemā (An Bình), Tỳ khưu

Ni Uppalavaṇṇā là hai nữ Thượng Thinh Văn, trong hàng tại gia cư sĩ thì có Trưởng

giả Citta, Dạ xoa Āḷavaka là hai Thượng Thinh Văn thiện nam, về tín nữ thì có nàng

Veḷukaṇṭakī Nandamātā và nàng Khujjuttarā là hai nữ Thượng Thinh Văn tín nữ. Tám

vị nầy đáng được liệt kê ở hàng đầu trong tứ chúng. Ngoài ra tất cả các vị Thinh Văn

ở các quốc độ, hễ đã hoàn thành thập độ rồi cũng đều là những bậc Đại phúc đức viên

mãn hạnh nguyện hết. Đại đức Ānanda, Ngài đã trải qua một trăm ngàn đại kiếp, hoàn

thành đủ pháp độ Ba la mật (Pāramī), hạnh nguyện đã viên mãn, Ngài có đầy đủ uy

tín, giữ vững đức tin của hàng tại gia cư sĩ, một mình Ngài được hoàng tộc thỉnh mời

ngồi và dâng cúng đàng hoàng tử tế. Sau khi chư Tăng ra về, Quốc vương ngự vào trai

đường, trông thấy thực phẩm loại cứng loại mềm còn nguyên trên bàn, bèn phán hỏi

nội thị rằng:


- Chư Đại đức không đến thọ bát hay sao?


- Tâu bệ hạ chỉ có một mình Đại đức Ānanda đến mà thôi.


Quốc vương nghe tâu, buồn giận chư Tỳ khưu, nghĩ rằng:


- Các Ngài đã cắt đứt con đường thiện duyên của trẫm rồi.


Quốc vương ngự đến bái kiến Đức Bổn Sư và bạch rằng:


- Bạch Ngài quả nhân đã chuẩn bị cả năm trăm cổ phần để sớt bát cúng dường

chư Tăng, mà nghe rằng: Chỉ có một mình Đại đức Ānanda đến thọ thực... Số thực

phẩm dọn ra mà còn y nguyên. Năm trăm vị Tỳ khưu không thấy vào hoàng cung,

không biết vì lý do nào?


Đức Bổn Sư không qưở trách chư Tỳ khưu, Ngài chỉ vỗ về đức vua Pasenadi

rằng:


- Tâu đại vương! Chắc là chư Thinh Văn của Như Lai không có tình thân mật

với đại vương, cho nên không đi vào cung nội.


Kế đó, Đức Bổn Sư kêu gọi chư Tăng vào và giảng dạy những trường hợp nào

chư Tăng không đến thọ thực nơi nhà thí chủ và những trường hợp nào nên đến. Đoạn

Ngài kết thúc bằng bài kinh nầy:


“Navahi bhikkhave aṅgehi samannāgataṃ kulaṃ anupagantvā ca nālaṃ

upagantuṃ upagantvā ca nālaṃ upanisīdituṃ. Katamehi navahi? Na manāpena

paccuṭṭhenti, na manāpena abhivādenti, manāpena asanaṃ denti, santamassa

pariguyhanti, bahukamhi thokaṃ denti, paṇītamhi lūkhaṃ denti, asakkaccaṃ denti, no

sakkaccaṃ, na upanisīdanti dhammassavanāya, bhāsantassa na rañjiyanti. Imehi kho

bhikkhave navahi aṅgehi samannāgataṃ kulaṃ anupagantvā ca nālaṃ upagantuṃ

upagantvā ca nālaṃ upanisīdituṃ”. Navahi bhikkhave aṅgehi samannāgataṃ kulaṃ

anupagantvā ca alaṃ upangantuṃ apagantvā vā alaṃ upanisīdituṃ”.


“Nầy các Tỳ khưu, có chín điều mà gia tộc nào hội đủ thì Tăng không nên đến

đó nếu chưa đến. Hoặc không nên ngồi nếu đã đến đó. Thế nào là chín?


1. Họ không hoan hỷ đứng dậy tiếp rước.

2. Họ không hoan hỷ đảnh lễ.

3. Họ không hoan hỷ mời ngồi.

4. Có vật dụng mà họ giấu.

5. Có nhiều mà họ dâng ít.

6. Có đồ ngon mà họ dâng đồ dở.

7. Họ dâng bằng cách không cung kính.

8. Họ không giữ lễ, không ngồi gần.

9. Họ không thỏa thích trong khi nghe nói pháp giảng đạo.


Nầy các Tỳ khưu, chín điều nầy gia tộc nào hội đủ thì Tăng không nên đến đó

nếu chưa đến, hoặc không nên ngồi nếu đã đến rồi.


Nầy các Tỳ khưu, có chín điều mà gia tộc nào hội đủ thì chư Tăng nên đến đó

nếu chưa đến, hoặc nên ngồi nơi đó nếu đã đến rồi. Thế nào là chín?


1. Hoan hỷ mời ngồi.

2. Họ hoan hỷ đứng dậy tiếp rước.

3. Họ hoan hỷ đảnh lễ.

4. Có vật dụng họ không giấu.

5. Có nhiều mà họ dâng nhiều.

6. Có đồ ngon mà họ dâng đồ ngon.

7. Họ dâng bằng cách cung kính.

8. Họ giữ lễ phép, ngồi gần.

9. Họ thỏa thích nghe pháp, nói đạo.



Nầy các Tỳ khưu, chín điều nầy, gia tộc nào mà hợp đủ thì Tăng nên đến đó nếu

chưa đến, hoặc nên ngồi nếu đã đến rồi”.


Dứt bài kinh, Đức Thế Tôn lại tiếp chuyện với nhà vua:


- Tâu đại vương! Chắc là các Thinh Văn của Như Lai không tìm được thân mật

nơi đại vương, cho nên mới không đi vào ngự như vậy. Quả thật, bậc hiền trí ngày

xưa, cho dầu được hộ độ chu đáo, nhưng ở chỗ thiếu tình thân mật cũng đã thọ khổ

gần chết được, đến nỗi phải ra đi trở về nơi có tình thân mật.


- Bạch Ngài, vào thời nào vậy?


Đức Thế Tôn liền thuật lại tiền tích rằng:


Thưở xưa, dưới triều đại vua Brahmadatta, đóng đô tại thành Bārāṇasī. Có một

quốc vương là Kesava (Quyền Phát) đã từ bỏ ngai vàng điện ngọc, ra đi xuất gia làm

đạo sĩ, năm trăm tùy tướng cũng xuất gia theo làm môn đệ của Kesava, người thợ cạo

của đức vua cũng xuất gia làm thị giả của đạo sĩ, có tên là Kappaka (Lý Phát).


Đạo sĩ Kesava cùng với những môn sinh tu ở miền Tuyết Sơn (Himavanta) trong

tám tháng nắng ráo. Đến mùa mưa, đạo nhân dắt đoàn đạo sĩ môn đệ ra đi đến thành

Bārāṇasī, khất thực trong kinh thành.


Khi ấy, vua Brahmadatta trông thấy đạo sĩ Kesava thì phát tâm trong sạch. Thỉnh

được đạo nhân nhận lời an cư bốn tháng trong hoàng thành, đức vua cho người sửa

sang vườn ngự uyển để đạo nhân lưu trú. Mỗi ngày hai lượt, sáng và chiều đức vua

ngự đến lo việc hộ độ các đạo nhân.


Ở được vài ba ngày, các đạo sĩ đệ tử điếc tai vì các tiếng voi, ngựa hí, chịu

không nổi nên xin thầy cho mình rút lui. Đạo nhân hỏi:


- Chư hiền đồ sẽ đi về đâu?


- Bạch Sư phụ, chúng con về núi Tuyết Sơn.


- Nầy chư hiền đồ, ngày mới đến đây ta đã nhận lời của Quốc vương ở trú an cư

nơi nầy bốn tháng, sao chư hiền đồ lại tính bỏ ra đi?


- Bạch Sư phụ, tại vì Sư phụ nhận lời mà không cho chúng con hay biết. Nơi

đây, chúng con không thể ở lại đây, xin cho chúng co kiếm chỗ ở gần nơi đây, hầu có

thể nghe ngóng tin tức của Sư phụ.


Nói rồi, cả đoàn đệ tử đảnh lễ từ biệt Kesava đạo nhân. Chỉ còn lại mình đạo sĩ

Kappaka là vị thị giả ở lại hầu thầy mà thôi.


Khi đến hộ độ các đạo nhân, Quốc vương hỏi:


- Chư đạo sĩ đi đâu hết rồi?


- Tâu đại vương, chư hiền đồ bất mãn nên đã xin trở về núi Tuyết Sơn cả rồi.


Không bao lâu, đạo sĩ Kapppaka cũng không thể kham nhẫn, bèn tỏ thật với

thầy: “Bạch Sư phụ, con cũng không thể cố gắng ở lại đây lâu hơn nữa được”.


Sau khi xin phép nhiều lần, vị thị giả được đạo nhân Kesava bằng lòng cho đi về

Tuyết Lãnh Sơn nhập chung với các bạn đồng tu, ở một nơi cách đó không bao xa để

có thể nghe ngóng tin tức Sư phụ được dễ dàng.


Thời gian sau, đạo sĩ Kesava sanh chứng đau bụng vì nỗi nhớ nhung các đệ tử

thân yêu. Quốc vương khiến ngự y đến điều trị, nhưng bịnh tình không thuyên giảm

chút nào cả.


Đạo nhân thấy đức vua ân cần săn sóc, bèn hỏi:


- Tâu đại vương! Có thật đại vương muốn tôi khỏi bệnh chăng?


- Bạch Ngài! Nếu quả nhân có cách nào làm cho Ngài mau bình phục thì quả

nhân sẽ thi hành ngay.


- Tâu đại vương! Nếu đại vương muốn cho tôi mau lành bịnh được yên lành, thì

đại vương cho người đưa tôi về với các môn sinh.


- Bạch Ngài, được lắm.


Quốc vương truyền lệnh cho nội thị đặt đạo nhân nằm trên một chiếc giường, rồi

khiến bốn vị đại thần, có quan Nārada lãnh đạo, đưa đạo nhân đi với lời ủy thác: “Chư

khanh đi đến nơi rồi hãy lưu lại, chờ xem bao giờ đạo trưởng bình phục sức khỏe thì

báo cho trẫm biết”.


Thị giả Kappala nghe tin Sư phụ đã về, lật đật ra đi tiếp đón. Đạo nhân hỏi: “Còn

các hiền đồ khác ở đâu?”.


Đạo sĩ kappala đáp: “Bạch Sư phụ, nghe nói các sư huynh sư đệ của con ở tại nơi

đó”.


Các đạo sĩ môn đệ hay tin thầy trở về, cũng đều quy tụ lại đông đủ, chung lo

chăm sóc đạo nhân, như dâng nước nóng, các thứ cái cây rừng và thực phẩm khác.


Chỉ trong chốc lát, đạo nhân khỏi bịnh và vài ba ngày sau da dẻ đã sáng ánh như

vàng ròng. Khi ấy đại thần Nārada hỏi đạo nhân:


“Manussindaṃ jahitvāna,

Sabbakāmasamiddhinaṃ;

Kathannu bhagavā kesi,

Kappassa ramasi assameti”.


“Chốn thảo am đủ mùi dục lạc,

Sao Thế Tôn Quyền Phát bỏ đi.

Thảo am Lý Phát có chi,

Mà Ngài lưu luyến làm gì cho cam?”.


“Sādūni ramaṇīyāni,

Santi rukkhā manoramā;

Subhāsitāni kappassa,

Nārada ramayanti manti”.


“Nārada nầy, chốn thảo am,

Là nơi ta thích, không nhàm chán đâu.

Cỏ cây đẹp mát rừng sâu,

Có trì Lý Phát bạn bầu sớm hôm”.


“Sālīnaṃ odanaṃ bhutvā,

Sucimaṃsūpasecanaṃ;

Kathaṃ sāmākanivārā,

Aloṇā sādayanti tanti”.


“Cơm Sà Li thơm ngon trộn thịt,

Ngài quen dùng thỏa thích sẵn sàng.

Sá chi kê lạt tồi tàn,

Mà Ngài lưu luyến buộc ràng nơi đây?”.


“Asāduṃ yadi vā sāduṃ,

Appaṃ vā yadi vā bahuṃ;

Vissaṭṭho yattha bhuñjeyya,

Vissāsaparamā rasāti”.


“Dầu ngon dầu dở trối thây,

Dầu nhiều dầu ít, dạ nầy chẳng lo.

Chung vui bạn lữ thầy trò,

Ăn sao cũng được, miễn cho thâm tình”.



Thuyết dứt tích bổn sanh nầy, Đức Bổn Sư dẫn giải rằng:


- Quốc vương thời ấy nay là Moggallāna, Nārada nay là Sāriputta, thị giả

Kappaka nay là Ānanda và đạo sĩ Kesava chính là đấng Như Lai vậy.


Đức Bổn Sư nói tiếp: “Tâu đại vương, những bậc hiền trí thời xưa đã từng thọ

khổ gần đến mạng chung, chỉ vì thiếu tình thân mật như thế đó. Các Thinh Văn của

Như Lai, sở dĩ không vào hoàng cung cũng bởi vì không được thân mật với đại vương

vậy”.


Quốc vương Pasenadi suy nghĩ: “Bây giờ quả nhân phải làm sao để cho Tăng

chúng thân thiện với quả nhân đây? À quả nhân nên cầu hôn với hoàng tộc Thích Ca

là quyến thuộc của Đức Chánh Biến Tri, được như vậy các Tỳ khưu và Sa di sẽ thấy

quả nhân là quyến thuộc của Đấng Chánh Biến Tri, ắt hẳn sẽ thân thiện với quả nhân

và sẽ lui tới trong đền ngự”.


Nghĩ vậy, Quốc vương phái sứ giả sang cầu hôn với dòng Thích Ca: “Khanh hãy

đại diện cho trẫm, qua nạp sính lễ cầu hôn, xin cưới một Công chúa thuộc huyết thống

Thích Ca rồi trở về đây phục lịnh”.


Sứ thần lãnh mạng ra đi cầu hôn với dòng họ Thích. Tại thành Kapilavatthu, tất

cả những vị tai mắt, đại diện cho hoàng tộc Thích Ca, đều được các Quốc vương triệu

thỉnh nhóm đại hội dòng tộc biểu, để tham khảo ý kiến. Ai cũng cho rằng: “Vua

Pasenadi không phải là dòng môn đăng hộ đối, dòng huyết thống ngang với chúng ta.

Nhưng nếu chúng ta không nhận gả con cho y, thì y sẽ dấy động can qua, hưng binh

đánh chiếm nước ta chẳng sai. Vậy ta nên làm gì bây giờ?”.


Đức vua Mahānāma (Đại Danh) bèn đề nghị rằng:


- Đứa con gái, tức thế nữ của trẫm, tên là Vāsabhakhattiya, có nhan sắc tuyệt

đẹp, ta hãy đem gả cho vua ấy.


Giải pháp nầy được hoàng tộc thích Ca chấp nhận. Đức vua bèn đáp lời cùng sứ

giả: “Quả nhân vui lòng gả Công chúa cho Quốc vương”.


Sứ giả tâu rằng: “Công chúa ấy là con vị vua nào?”.


- Công chúa là con gái của đức vua Mahānāma, là biểu đệ của Đức Chánh Biến

Tri, mỹ hiệu là Vāsabhakhattiya.


Sứ thần về nước mang tin mừng nầy tâu lên vua Pasenadi. Đức vua phán: “Nếu

vậy thì tốt lắm, khanh hãy qua nghênh đón công chúa về đây cho mau. Nhưng hãy nên

cẩn thận đề phòng, dòng Sát Đế Lỵ Thích Ca thường man trá. Sợ e đem con gái của

bọn phi tần đấy. Khanh hãy nài cho được thấy Công chúa dùng cơm chung một mâm

với phụ vương trong bữa ăn tiệc tiễn hành cho chắc ý, rồi sẽ rước về”.


Các sứ thần mai dong tuân lịnh vua Pasenadi ra đi, gặp vua Mahānāma thì tâu

rằng:


- Tâu bệ hạ! Quốc vương của tôi muốn cho Công chúa được ngồi dùng cơm

chung với Ngài trong bữa tiệc tiễn hành.


- Tốt lắm, nầy chư hiền sĩ.


Đoạn Quốc vương Mahānāma khiến Công chúa trang điểm hoàn bị, đến giờ ngự

thiện thì dùng chung mâm với đức vua cho sứ thần trông thấy. Xong bữa, đức vua

chuyển giao Công chúa cho sứ giả hộ giá vu quy.


Đưa dâu về đến thành Sāvatthī, các sứ giả tâu với Quốc vương các việc mình đã

mục kích tận tường. Quốc vương cả đẹp bèn phong cho Công chúa làm Chánh hậu,

chưởng quản một nhóm năm trăm cung phi.


Không bao lâu sau, chánh hậu hạ sanh được một hoàng nam, màu da sáng chói

như vàng ròng, đến ngày lễ đặt tên cho hoàng tử, Quốc vương phán quan nội giám

đến thỉnh ý hoàng Thái hậu.


- Công chúa Vāsabhakhattiya dòng Thích Ca, là chánh cung hoàng hậu vừa mới

hạ sanh hoàng tử, Tổ mẫu ưng đặt tên gì cho cháu nội?


Quan Thái giám lãnh lịnh của Quốc vương là người có tật lãng tai, khi đến tư

cung của hoàng Thái hậu, ông trình bày sứ mạng của ông xong, Thái hậu đáp rằng:


- Thái tử là con của hoàng hậu Vāsabhakhattiya, lúc chưa sanh cũng đã thu phục

được lòng người rồi. Bây giờ đây chắc hẳn là được quốc vương sủng ái vô cùng vậy?


Viên nội giám lãng tai, nghe lầm tiếng Vallabha (Đắc Sủng) thành ra tiếng

Viḍūḍabha (Lưu Ly), rồi in trí như thế, nên trở về tâu với Quốc vương:


- Tâu bệ hạ, xin bệ hạ đặt Thái tử tên là Viḍūḍabha.


Quốc vương nghĩ thầm: “Chắc đây là một tên rất xưa trong hoàng tộc trẫm”.

Nghe theo lời của viên nội giám lãng tai, Quốc vương đặt tên cho Thái tử là

Viḍūḍabha.



Ngay từ khi thái tử còn ở tuổi thiếu niên, quốc vương muốn lấy lòng Đức Bổn

Sư, đã phong thái tử làm chức Hàm đô thống đại nguyên soái.


Lúc mới bảy tuổi, thái tử Viḍūḍabha trông thấy các vương tôn hoàng tử đồng tuế

được ngoại tổ gởi cho đồ chơi như hình voi, hình ngựa hoặc thứ nầy thứ nọ, thì hỏi

mẹ:


- Mẫu hậu ơi! Sao mấy hoàng nam khác có ngoại tổ gởi đồ chơi đủ thứ, còn con

không có ai gởi tặng món chi hết vậy? Bộ con không có ngoại tổ phụ mẫu hay sao?


Chánh hậu đáp rằng: “Nầy vương nhi con! Ngoại tổ của con là dòng Thích Ca, ở

cách đây xa lắm, cho nên không gởi quà tặng cho con được”.


Đến khi được mười sáu tuổi, thái tử Viḍūḍabha lại thưa với mẹ:


- Tâu mẫu hậu! Con muốn được về thăm dòng họ bên ngoại.


Chánh hậu gạt ngang, bảo rằng:


- Thôi vương nhi! Con về bên ấy mà làm gì?


Thái tử cứ theo mẹ mà van xin mãi. Sau cùng Chánh hậu phải chìu theo: “Vương

nhi muốn đi thì con cứ đi”.


Chánh hậu Vāsabhakhattiya khiến người mang thơ đi trước thái tử về báo tin cho

vua Mahānāma hay, nói rằng: “Con ở đây vẫn bình yên, xin hoàng tộc Thích Ca đừng

lộ vẻ gì khác với chồng con, đừng cho thái tử cùng quan hộ giá trông thấy”.


Hoàng tộc Thích Ca hay tin thái tử Viḍūḍabha sắp đến Kapilavatthu, thì thương

nghị cùng nhau và và quyết định rằng:


- Không thể để cho con cháu chúng ta đảnh lễ, chào đón nó.


Thế là bao nhiêu hoàng tôn, thái tử nhỏ tuổi hơn thái tử Viḍūḍabha đều được gởi

về miền quê đổi gió. Các vị lớn tuổi ở lại tập trung nơi tòa khách thính trong thành

Kapilavatthu.


Thái tử Viḍūḍabha được đưa vào thành, khi đứng trước các vị ấy, họ tự giới

thiệu rằng: “Nầy vương nhi, đây là ngoại tổ của con. Đây là cửu phụ của con”.


Thái tử đảnh lễ ra mắt tất cả mọi người xong, không thấy có ai đảnh lễ lại mình,

thì hỏi rằng:


- Sao không ai đảnh lễ con hết vậy?


Quyến thuộc Thích Ca trả lời rằng:


- Nầy vương nhi! Các thái tử hoàng tôn tuổi nhỏ hơn con mắc về quê cả rồi.


Và họ sắp đặt tiệc đãi đằng hoàng tử Viḍūḍabha rất trọng hậu. Thái tử lưu lại

Kapilavatthu vài ba hôm chơi, rồi tạ từ dòng họ Thích Ca lên đường về xứ.


Khi ấy, các cung nữ đến dọn dẹp quét tước ngôi khách thính, lấy sữa tươi rửa

cẩm đôn, nơi mà hoàng tử Viḍūḍabha đã ngồi, vừa rửa vừa mắng rằng: “Đây là chỗ

ngồi của con trai cung nữ Vāsabhakhattiya”. Bất ngờ thay, có một viên tùy tướng của

thái tử bỏ quên khí giới, nên trở lại khách thính lấy, y nghe được những lời nầy, bèn

gạn hỏi rõ nguyên nhân, mới biết rằng: “Chánh hậu Vāsabhakhattiya tuy là con của

đức vua Mahānāma dòng Thích Ca, nhưng mẹ nàng lại là một cung nữ”.


Viên tùy tướng đem chuyện nầy thuật lại cho quân sĩ nghe. Thế là, trong sĩ tốt có

tiếng xôn xao, đồn rằng: “Bà Vāsabhakhattiya là con gái của một cung nữ”. Thái tử

Viḍūḍabha nghe rõ câu chuyện, chàng căm tức dòng họ Thích Ca, thề rằng: “Mặc cho

bọn nó giỏi lấy sữa tươi mà rửa chỗ ngồi của ta, khi nào lên làm vua ta sẽ lấy máu cổ

họng chúng nó mà rửa lại chỗ ấy”.


Khi thái tử về đến thành Sāvatthī, các quan tùy giả thuật lại sự tích ấy do cung

nữ Kapilā (Vệ Kim Thành) đã thổ lộ, nguồn gốc của chánh hậu lên đức vua Pasenadi.

Quốc vương rất căm thù dòng họ Thích Ca, nghĩ rằng: “Bọn nầy đã mạo muội gả con

gái cung nhân cho trẫm”.


Quốc vương hạ lịnh tước đoạt phẩm vị của Chánh cung hoàng hậu và Đông cung

thái tử, biếm xuống làm cung nhân.


Cách mấy hôm sau, Đức Bổn Sư ngự vào hoàng cung, an ngự vào chỗ ngồi soạn

sẵn, quốc vương bèn đảnh lễ Ngài và bạch rằng: “Bạch Ngài, quả nhân xin cho Ngài

hay biết các quyến thuộc của Ngài đã mạo hôn, gả con gái cung nữ cho quả nhân, vì

vậy, cho nên quả nhân đã tước hết phẩm vị Chánh hậu và Đông cung thái tử, cho làm

cung nhân, nô tỳ vì phận vị ấy hợp với họ”.


Đức Bổn Sư phán rằng: “Tâu đại vương, việc nầy rất oan uổng cho họ, Chánh

hậu đã được dòng Thích Ca nhìn nhận ngang hàng mới đem gả cho đại vương. Như

Lai xác nhận việc nầy. Đại vương, mẫu hệ không nghĩa lý gì, chỉ có phụ hệ là đáng kể

mà thôi.


Như bậc hiền trí thưở xưa đã phong cho một thiếu nữ bần hàn đi mót củi khô lên

làm chánh hậu, thái tử do nàng ấy sanh ra về sau lãnh tụ, là vị chúa tể thống trị cả

quốc độ Bārāṇasī rộng đến mười hai do tuần, có danh hiệu là Kaṭṭhavāhanarāja (Tiều

Phu Vương).


Nhân dịp nầy, Đức Bổn Sư thuật tích Bổn Sanh Nữ tiều phu (Kaṭṭhahāriyajātaka).


Quốc vương Pasenadi nghe pháp rồi, công nhận chỉ có phụ hệ là đáng kể nên

phát tâm hoan hỷ, bèn truyền lịnh ân xá chánh hậu và thái tử, cho phục hồi cựu vị.


Nói về đô thống tướng quân Bandhula kết hôn với Công chúa Mallikā (Mạt Lỵ),

là con vua xứ Malla, đã lâu ngày không có con. Gia tộc Bandhula kết tội nàng là “vô

hậu”, nên đuổi Công chúa trở về cố quốc. Công chúa định đến bái biệt Đức Bổn Sư

rồi sẽ lên đường. Vào Tịnh xá Jetavana, Công chúa đảnh lễ Đức Như Lai rồi đứng qua

một bên. Đức Bổn Sư phán hỏi:


- Con đi đâu đây?


- Bạch Ngài, con trở về sanh quán.


- Tại sao vậy?


- Bạch Ngài, vì con hiếm muộn, chồng con kết tội vô hậu, nên đuổi về xứ.



- Nếu thế thì con khỏi cần đi về quê, con hãy trở lại nhà chồng.

Công chúa mừng rỡ, đảnh lễ Đức Thế Tôn rồi trở gót về nhà Thống soái

Bandhula, Bandhula hỏi rằng:

- Tại sao nàng trở lại?

- Đức Thập Lực bảo thiếp trở lại.


Đại Tướng quân Bandhula bằng lòng cho vợ ở lại và nghĩ: “Chắc Đức Thập Lực

tiên tri, thấy được vị lai. Thôi ta hãy ráng chờ xem”.

Quả thật, chẳng bao lâu Công chúa thọ thai, sanh chứng ốm nghén, thèm khát

không chịu đựng được, bèn tỏ thật cùng chồng. Tướng quân Bandhula hỏi: “Nàng

thèm món chi?”.

- Thưa tướng quân, tại kinh đô Vesālī, trong ngự uyển của vương tộc Licchavī,

có hồ sen mà họ dành dùng làm lễ tôn vương. Thiếp thèm tắm rửa và uống nước trong

hồ ấy.


Tướng quân Bandhula nói: “Được.” Đoạn Đại tướng lấy chiếc cung thần có sức

mạnh gấp ngàn lần cung nỏ thường đeo lên vai. Gióng xe ra khỏi thành Sāvatthī,

nhắm ngay thành Vesālī tiến tới và đột nhập vào thành Vesālī, do cửa của Thái tử

Mahāli trấn giữ. Tư dinh của Thái tử Mahāli gần cửa kinh thành, Mahāli nhủ thầm:

“Đây là tiếng xe của Tướng quân Bandhula. Hôm nay chắc các vua dòng Licchavī

phải kinh tâm tán đởm”.


Các hồ cấm có hộ vệ quân trấn giữ, phòng thủ trong ngoài cẩn mật. Trên mặt hồ

có lưới nhặt mắt, bao phủ kín mít một con chim nhỏ chui qua cũng không lọt.

Thế mà, Đô thống tướng Bandhula xuống xe tuốt gươm đánh đuổi lực lượng

phòng vệ thật mau lẹ, chém đứt lưới đồng bao phủ mặt hồ, dìu vợ xuống tắm dưới hồ.

Khi Công chúa tắm xong và uống nước thỏa mãn rồi, Tướng quân cũng tự mình

xuống tắm.

Xong rồi, Đại tướng lái xe vượt qua khỏi thành Vesālī lên đường trở về bổn

quốc.

Quân lính giữ ao hồ báo tin cho các vua Licchavī, các vua nổi giận, thắng năm

trăm cỗ chiến xa, tức tốc dẫn binh xông ra khỏi thành, quyết theo bắt cho được

Bandhula và Mallikā.


Các vua ghé vào dinh của Mahāli để cho biết ý định thì Thái tử cản rằng: “Thôi

chư vương, đừng đuổi theo. Bandhula sẽ giết sạch chư vương, không sót một mạng”.

Các vua đồng thanh nói:

- Dầu sao chúng tôi cũng sẽ rượt theo hắn.

Mahāli dặn rằng: “Nếu vậy, chư vương nên lưu ý đề phòng. Hễ khi nào trông

thấy bánh chiến xa của y lún xuống tới bùn thì nên thu quân trở lại. Nếu không, khi

chư vương tiến tới mà nghe tiếng nổ vang như sấm, lúc ấy nên lui binh, bằng không

chư vương sẽ thấy các đầu chiến xa của mình đứt đoạn nát tan. Đến đây, chư vương

không nên liều lĩnh tiến xa hơn nữa mà nguy đến tánh mạng”.



Các vua Licchavī bất chấp lời khuyên ngăn của Thái tử Mahāli, đem hết toàn lực

đuổi theo Bandhula tướng quân. Công chúa Mallikā nhìn lại phía sau lưng, thấy bụi

bay mù mịt, nàng nói với chồng: “Thưa phu tướng, hình như có nhiều chiến xa đuổi

theo chúng ta”.

- Nếu vậy, nàng hãy nhìn cho kỹ, chừng nào thấy chiếc xe đầu tiên rõ rệt thì hãy

bảo ta.


Khi thấy tất cả đoàn xe hiện ra như một chiếc xe giữa đám bụi mù. Công chúa

Mallikā bảo chồng:

- Thưa phu tướng, giờ thiếp thấy rõ như một cái đầu xe.

Tướng quân Bandhula trao dây cương ngựa qua cho vợ, dặn rằng: “Nếu vậy,

nàng hãy cầm giữ dây cương nầy, lái xe cho đi thẳng đường, để một mình ta đối phó

với họ”.


Nói rồi Bandhula lấy thế đứng vững trên xe, lắp sẵn tên vào chiếc cung thần.

Khi thấy chiếc chiến xa của tướng Bandhula bị lún bánh xuống tới bùn, các vua

thấy vậy cũng chẳng lui bước. Tướng quân Bandhula cho xe mình đi một quãng

đường ngắn rồi giơ tay búng dây cung thần, một tiếng nổ vang trời vang lên như tiếng

sấm. Các vua Licchavī nghe vậy cũng chẳng nao núng mà còn đuổi theo rất gấp.

Bandhula đứng trên xe bắn mũi tên, mũi tên ấy đâm lủng đầu năm trăm cỗ chiến xa

địch, xuyên qua mình năm trăm vua Licchavī ngay chỗ dây ngọc đái, rồi cắm phập

xuống đất; các vua Licchavī không hay rằng mình đã trúng tên địch, hăng hái xông tới

thét lớn: “Tiểu tốt vô danh, có giỏi thì đứng đó đừng chạy”.


Bandhula dừng xe lại, đợi các vua Licchavī đến gần mắng rằng: “Đồ chết bắn, ta

không thèm giao chiến với những xác chết đâu”.

Các vua Licchavī bảo: “Ngươi hãy xem cho kỹ, chúng ta không phải là những

xác chết”.

Bandhula nói: “Tất cả các ngươi đồng chung số phận, các ngươi hãy cởi mở

ngọc đái của tên thủ lãnh ra xem”.

Các vua Licchavī vừa mở dây ngọc đái của tên thủ lãnh thì vị nầy ngã xuống

chết.


- Tất cả các ngươi đều đồng chung số phận với tên đầu lãnh, mỗi người hãy trở

về nhà sắp đặt việc hậu sự, từ giã vợ con quyến thuộc, rồi hãy cởi bỏ khôi giáp.

Bandhula đưa Công chúa Mallikā về thành Sāvatthī. Từ đó về sau, Công chúa

sanh mười sáu lần sanh đôi con trai. Tất cả đều là những tay vũ dũng, có đởm lược

anh hùng, đến tuổi trưởng thành đều am tường lục thao tam lược, mỗi chàng đền có

ngàn sĩ tốt bộ hạ. Mỗi lần Bandhula tướng quân về triều yết kiến quốc vương, các

công tử và bộ hạ đi theo vào đứng chật cả sân rồng trong đền ngự.


Một hôm, các quan tòa xử án, nhiều người vì bị xử hiếp trong một vụ kiện, trông

thấy tướng quân Bandhula đi tới, la ó lên, phản đối các thẩm phán thiên vị và cậy nhờ

tướng quân can thiệp. Bandhula tướng quân vào đến giữa tòa, minh xét lại bản án, làm

cho rõ ngay gian và giúp cho người sỡ hữu chủ được thắng kiện. Quần chúng dự thính

hoan hô vang dậy.



Quốc vương nghe tiếng reo hò phán hỏi thị thần: “Chuyện chi thế?”. Khi biết rõ

nguyên do, Quốc vương rất hài lòng, giáng chức các quan tòa cũ và bổ nhậm

Bandhula cầm đầu Tam pháp y. Từ ngày nhậm chức mới, Bandhula xử đoán rất công

minh. Các vị tài phán bị cách chức, mất cả danh lợi đem ra thù ghét Bandhula, nên

kiếm chuyện đâm thọc với hoàng thân quốc thích, tuyên truyền rằng: “Bandhula âm

mưu tạo phản”.


Quốc vương nghe các quyến thuộc tâu vào tâu ra mãi, cũng mắc kế của bọn gian

thần, sanh tâm nghi ngờ người bạn cố tri, muốn tru lục cha con Bandhula để trừ hậu

hoạn.

- Nếu trẫm ra lịnh hành quyết ngay tại nơi đây, ắt là mang tiếng người đời chê

trách.

Quốc vương liền mật sai những tướng quân tâm phúc giả làm quân phiến loạn,

đánh phá nơi biên thùy. Đoạn triệu tướng Bandhula vào triều phán rằng:

- Có tin biên thùy dấy loạn, trẫm phú cho hiền đệ và các hiền điệt đi tiểu trừ và

bắt cho được bọn cướp thảo khẩu ấy.


Tướng quân lãnh mạng ra đi, không ngờ Quốc vương ngầm sai những tướng tài

khác đi kèm theo với mấy cha con, với lịnh truyền rằng: “Chém đầu Bandhalu với ba

mươi hai công tử, đem thủ cấp về đây”.

Trong lúc đội binh mã rầm rộ kéo đi ra biên thùy. Bọn khấu tặc nghe tin Đô

thống tướng Bandhula xuất chinh, bèn tan rã hàng ngũ, bỏ chạy trước. Tướng quân

vào thành lập lại trật tự vỗ an bá tánh, xong rồi kéo đại binh trở về gần tới kinh đô,

các tướng sĩ lãnh lịnh vua thi hành bản án tử hình. Bắt hết cha con tướng quân

Bandhula xử trảm một lượt.


Hôm ấy, nhằm ngày Công chúa Mallikā cung thỉnh hai vị Thượng Thinh Văn và

năm trăm Tỳ khưu đến soái phủ thọ thực. Vào buổi sáng hôm ấy, công chúa nhận

được thư báo của gia nhân: “Chồng và các con đã bị xử trảm”. Được biết hung tin

công chúa vẫn lặng thinh, nhét phong thơ vào trong vạt áo, lo việc hộ độ chư Tăng,

như không có việc gì quan hệ xảy ra, khi ấy bọn nữ tỳ của Công chúa, sau khi dâng

cơm đến chư Tỳ khưu, đang bưng cái bình sanh tô (bơ tươi) đến trước hai vị Đại đức

thì sút tay, buông rơi cái bình xuống nền bể nát.


Đức Sāriputta nói an ủi rằng:

- Của tạm bợ vô thường, lỡ bể thì thôi, chẳng nên ân hận.

Công chúa Mallikā liền lật vạt áo lên, lấy phong thơ đưa ra và nói: “Bạch Ngài,

ba mươi hai đứa con trai và cha nó vừa bị xử trảm, khi được người nhà đưa thư báo

tin nầy, đệ tử đọc rồi còn chẳng ân hận, huống chi là việc bể cái bình sanh tô mà đệ tử

ân hận hay sao?”.


Đức Tướng quân Chánh pháp liền thuyết lên kệ ngôn rằng:


“Animittamanaññātaṃ,

Maccānaṃ idha jīvitaṃ;

Kasirañca parittañca,

Tañca dukkhena saṃyuttanti”.


“Sanh tử không kỳ hạn,

Tuổi thọ khó tiên đoán.

Đời tồi tệ nhỏ nhen,

Đầy khổ đau hoạn nạn”.


Kế đó, Đại đức thuyết tiếp một thời pháp, rồi đứng lên rời Soái phủ, trở về Tịnh xá.

Công chúa cho gọi hết ba mươi hai cô dâu đến phán dạy rằng:

- Chồng các con phải chết vì tay người khác, chẳng qua là trả quả của nghiệp

tiền khiên, các con chớ nên buồn rầu khóc lóc, cũng đừng đem lòng oán hận đức vua.

Các thám tử của quốc vương nghe được những lời nầy, nên về tâu lên quốc

vương việc các quả phụ không đem lòng oán hận Ngài. Nghe vậy, quốc vương sanh

tâm kinh cảm, ngự đến tư dinh của công chúa Mallikā để xin chịu lỗi với công chúa

và các nàng dâu góa bụa, xong rồi ban cho công chúa một ân huệ.


Công chúa tâu: “Thần thiếp xin nhận lãnh ân huệ của bệ hạ”.

Sau khi quốc vương ngự giá về cung, công chúa cử hành tang lễ, Trai Tăng cầu

siêu, đoạn tắm gội sạch sẽ vào triều yết kiến quốc vương:

- Tâu đại vương! Bệ hạ hứa ban ân huệ, nhưng thần thiếp không cầu mong việc

chi khác, ngoài việc xin bệ hạ gia ân cho thần thiếp và ba mươi hai con dâu được trở

về xứ sở quê hương.


Quốc vương chuẩn tấu. Công chúa sắp đặt cho ba mươi hai nàng dâu ai về nhà

nấy, riêng mình cũng lên đường trở về quê quán trong thành Kusinārā.

Quốc vương ấn phong cháu trai của tướng quân Bandhula là Dīghakārāyana

(Trường Lao) làm Đô thống đại Nguyên soái.

Nhưng Dīghakārāyana căm thù quốc vương đã xử trảm Bandhula nên hằng chờ

cơ hội để trả thù cho cậu mình.


Lúc bấy giờ, Đức bổn Sư đang ngự trong thị trấn Meḍalapa của dòng Thích Ca,

quốc vương ngự giá đến đó, an dinh hạ trại cách chùa không bao xa, đoạn rời khỏi đại

quân tùy giá vào chùa đảnh lễ Đức Bổn Sư, trước khi vào hương thất một mình, quốc

vương cởi hết những phù hiệu của nhà vua (mão, hia, kiếm, trướng và hốt), giao cho

Dīghakārāyana gìn giữ (đoạn nầy trong kinh Dhammacetiya sutta (Pháp Tháp) trong

Trung Bộ Kinh có giải rõ từng chi tiết).


Thừa lúc quốc vương Pasenadi vào trong hương thất, Dīghakārāyana lấy hết phù

hiệu vương vị, tôn Thái tử Viḍūḍabha lên làm vua, kéo rốc toàn quân trở về thành

Sāvatthī, chỉ thừa lại cho quốc vương một con ngựa già và bà thế nữ hầu hạ vua mà thôi.



Sau khi đàm đạo thân ái với Đức Bổn Sư, quốc vương đảnh lễ Ngài trở ra, không

thấy binh lính, hỏi bà thế nữ mới tỏ rõ mọi sự. Quốc vương nghĩ thầm: “Quả nhân

phải nhờ Vương sanh (cháu kêu Ngài bằng dượng, tức là vua Ajātasattu) tiếp viện mà

bắt Viḍūḍabha mới được”.

Khi quốc vương Pasenadi đến thành Rājagaha thì đã quá giờ lưu thông, các cổng

thành đều đóng kín. Quốc vương buộc lòng phải nghỉ đỡ trong một ký túc xá. Cả ngày

đi nắng lại bị trúng gió cảm sương, quốc vương thăng hà vào lúc nửa đêm. Thế nữ

theo hầu đức vua khóc lóc thở than:


- Bệ hạ ơi! Bệ hạ là chúa của toàn dân xứ Kosala, mà sao phải chọn nằm cô

quạnh lạnh lùng…

Khi đêm tàn, trời hừng sáng, nhiều người nghe tiếng nức nở của bà thế nữ, hỏi ra

mới biết là đức vua Pasenadi thăng hà ở nơi quán trọ ngoài thành, bèn vào báo tin với

quốc vương Ajātasattu, quốc vương bèn ra lịnh hỏa táng một cách trọng thể, y theo

nghi lễ tống chung của bậc đại vương.


Thái tử Viḍūḍabha sau khi tức vị, nhớ lại mối hận ngày xưa, bèn chiêu tập binh

mã, kéo hết đại binh ra khỏi thành Sāvatthī, trong tâm tính rằng: “Trẫm sẽ tận sát

dòng Thích Ca”. Ngày ấy, lúc quán sát thế gian trong buổi sáng, Đức Bổn Sư thấy

rằng dòng họ Thích Ca của Ngài sắp bị tiêu diệt. Ngài tự nghĩ: “Như Lai phải đi về độ

tông tộc mới được”. Thế rồi, trong buổi sáng Ngài đi khất thực, độ xong bữa, Ngài trở

về hương thất. Buổi trưa, Ngài nằm thiền, nghiêng mình về phía phải như con hùng

sư, và buổi xế Ngài bay đến Kapilavatthu, an tọa dưới một gốc cây có bóng mát loang

lổ, nơi giáp ranh hai nước.


Phía bên kia ranh thuộc lãnh thổ của Viḍūḍabha có cây đa to, tàn nhánh rậm rạp

có nhiều bóng mát.

Vừa trông thấy Đức Bổn Sư, vua Viḍūḍabha vội đến gần Ngài đảnh lễ và bạch

rằng:

- Bạch Ngài! Trong lúc nắng nôi thế nầy, sao Ngài lại ngồi chi dưới gốc cây có

bóng râm loang lổ, xin thỉnh Ngài qua ngồi bên gốc cây đa to có nhiều bóng mát, ở

đằng kia.

Đức Bổn Sư đáp rằng: “Tâu đại vương! Bóng râm của thân quyến bao giờ cũng

mát mẻ”.


Nghe vậy, đức vua viḍūḍabha nghĩ rằng: “Chắc Đức Bổn Sư ngồi đây để bảo vệ

gia quyến của Ngài”. Đức vua đảnh lễ rồi cáo từ Đức Bổn Sư và thâu binh trở về

Sāvatthī. Đức Bổn Sư cũng đứng dậy bay về Jetavana.

Quốc vương Viḍūḍabha không thể quên được mối hận thù đối với dòng Thích

Ca, xuất binh lần thứ hai đến chỗ giáp ranh hai nước, cũng gặp Đức Bổn Sư như lần

trước, nên lại thu quân trở về. Đến lần thứ ba đức vua lại xuất binh, lại gặp Đức Bổn

Sư nơi đó và lại thu quân trở về một lần nữa.


Đến lần xuất binh thứ tư của vua Viḍūḍabha, Đức Bổn Sư không can thiệp để

cứu quyến thuộc của Ngài nữa. Vì Ngài quán thấy ác nghiệp của họ ở tiền kiếp, đã bỏ

thuốc độc xuống dòng sông thuốc cá chết, nay quả tới thời trổ quả rồi, không thể che

chở cứu vãn được nữa.

 


Với quyết tâm: “Trẫm sẽ tận diệt dòng họ Thích Ca”, Viḍūḍabha đem đại đội

hùng binh ra đi, không còn bị Đức Bổn Sư cản trở. Quyến thuộc của Đức Bổn Sư kiên

trì giữ giới sát sanh, thà chịu chết chứ không dám xuống tay giết hại kẻ khác, nghe tin

địch quân kéo đến, họ nghĩ ngay rằng: “Chúng ta là những tay thiện xạ bá phát bá

trúng, nhưng ta không thể phá giới mà giết hại địch quân, ta chỉ nên bắn dọa cho họ sợ

mà chạy thôi”.


Thấy tên bắn như mưa, vua Viḍūḍabha bảo các tùy tướng:

- Các khanh nghĩ sao? Có phải dòng Thích Ca giữ giới không sát sanh, thế mà

bây giờ họ giết hại binh sĩ của trẫm.

Khi ấy, một tùy tướng tâu rằng:

- Tâu chúa thượng, vì sao chúa thượng lại lui quân?

- Dòng Thích Ca giết hại binh sĩ của trẫm.

- Ba quân tướng sĩ không có ai bị thương cả. Xin chúa thượng hãy cho kiểm lại

quân sĩ xem.


Khi kiểm lại quân sĩ, không thấy thiệt mạng ai cả, vua Viḍūḍabha lại truyền lịnh

tấn công và dặn rằng:

- Nầy ba quân tướng sĩ! Các khanh hãy giết sạch những kẻ nào nhận là dòng

Thích Ca, trừ những ai đứng gần ngoại tổ của trẫm là vua Mahānāma, thì các khanh

hãy dung tha mạng sống cho họ.


Quân binh của Viḍūḍabha phá cửa thành Kapilavatthu tuôn vào như nước vỡ bờ,

đi lục soát bắt dòng Thích Ca để tru lục. Có nhiều người không cam tâm chịu chết vô

cớ, bèn cắm cỏ hoặc cầm lau sậy đứng chực sẵn. Hễ quân nghịch đến hỏi: “Ngươi có

phải là dòng Thích Ca không?” Thì nhóm cắn cỏ đáp: “Không phải Thích Ca, cỏ” (No

sāko tiṇanti), còn nhóm cầm lau thì đáp: “Không phải Thích Ca, vi lô” (No sāko

naḷoti). Quân lính ngoại quốc nghe không rành, tưởng họ phủ nhận dòng Thích Ca,

nên không hạ sát họ, các người nầy dầu có chết cũng không dám phạm giới nói dối,

nên đã dùng mẹo khéo nói trớ như vậy mà được sống sót (tiếng Phạn Sāka là rau, đọc

mường tượng như Sākya là Năng Nhân Thích Ca), cả những người chạy theo đứng

gần với vua Mahānāma cũng được tồn sanh. Do đó về sau có danh từ Thảo Thích Ca

(Tiṇasākiya) để chỉ những người cắn cỏ và danh từ Vi lô Thích Ca (Naḷasākiya) để chỉ

nhóm người đứng cầm lau.


Ngoài ba nhóm kể trên, tất cả hoàng tộc Thích Ca dầu là trẻ con còn bú cũng

không toàn mạng. Vua Viḍūḍabha ra lịnh cắt cổ họ đem dội máu lên cẩm đôn mà

mình đã ngồi khi trước.

Tông tộc Thích Ca đã bị vua Viḍūḍabha tru lục như thế, vua Viḍūḍabha ra lệnh

bắt vua Mahānāma đem theo làm tù binh rồi mới rút lui trở về nước.

Đến giờ sáng vua Viḍūḍabha đình bộ, xuống một nơi thung lũng nghỉ, cho quân

hầu bưng cơm và khiến người đi thỉnh ông ngoại đến để cùng ngồi ăn chung một mâm.



Dòng Sát Đế Lỵ thà bỏ mạng chứ không bao giờ chịu ngồi ăn chung mâm với

con trai của thế nữ, cho nên vua Mahānāma nhìn xuống một ao hồ và nói:

- Nầy vương điệt, mình trẫm lấm lem cát bụi, để trẫm đi tắm đã.

- Vâng, ngoại tổ hãy đi tắm đi.

Vua Mahānāma nghĩ thầm: “Nếu ta không ngồi ăn chung với thằng nầy, thì chắc

chắn nó sẽ giết chết ta, thà là ta tự sát cho rồi”.


Vua bèn xả búi tóc ra, cột thắt gút phía ngọn tóc, đoạn xỏ hai chân vào cái nồi,

rồi nhảy ùm xuống nước. Do oai lực cao độ của vua Mahānāma, thủy cung của loài

rồng phát hiện, Long vương tự hỏi: “Có chuyện gì thế?”. Khi quán thấy được nguyên

nhân, Long vương liền rước vua Mahānāma để ngồi trên mang của mình rồi đưa về

thủy cung. Vua Mahānāma lưu trú nơi đây trong mười hai năm trường.


Vua Viḍūḍabha ngồi chờ ngoại tổ đã lâu, bèn khiến quân lính túa đi tìm kiếm

dưới nước trên bờ, đến tối cũng không thấy, thắp đuốc soi đường mà tìm cũng chẳng

thấy được nhà vua mất tích. Sau cùng, vua Viḍūḍabha cho rằng vua Mahānāma đã

trốn thoát, nên rút quân lên đường, đại binh đến sông Aciravatī vào lúc ban đêm, nên

chia làm hai đội, đóng trại nghỉ tại bờ sông, một đội ngủ trên cồn cát dưới sông, một

đội thì ngủ trên bờ cao. Những người ngủ tại cồn cát mà không tạo ác nghiệp thì bị

kiến cắn thức dậy la lên: “Chỗ tôi nằm bị kiến cắn”, thế là họ lên trên bờ cao mà nằm.


Còn những người nằm ở trên bờ cao mà tạo ác nghiệp nặng cũng bị kiến cắn, họ thức

dậy la rằng: “Chỗ tôi nằm có kiến”, và họ lại đi xuống cồn cát mà nằm. Ngay lúc ấy,

mây đen kéo mù mịt, mưa tuôn như thác đổ, nước sông dâng lên trong nháy mắt, ngập

lụt cả bờ sông, cuốn vua Viḍūḍabha cùng đoàn quân ngủ trên cồn cát đưa luôn ra biển.

Tất cả những người tạo ác trọng nghiệp đều làm mồi cho cá và rùa.


Đại chúng Tỳ khưu đề khởi lời nghị luận rằng:

- Dòng Thích Ca bị diệt vong quả thật là oan uổng, khi không bị bọn người khát

máu, cho rằng dòng Thích Ca đáng bị tru lục, rồi gặp ai chém nấy. Như thế thật là phi

lý bất công.

Đức Bổn Sư nghe được lời đàm thoại của chư Tỳ khưu, bèn dạy rằng:

- Nầy chư Tỳ khưu! Trong kiếp hiện tại, dòng Thích Ca bị diệt vong như thế là

bất xứng, nhưng không có gì oan uổng vì họ chỉ gặt hái cái quả tương xứng với ác

nghiệp mà họ đã tạo ra trong dĩ vãng mà thôi.


- Bạch Ngài! Dòng họ Thích Ca đã tạo nghiệp gì trong dĩ vãng?

- Trong dĩ vãng, họ đã vầy thành đoàn, xuống sông bỏ thuốc độc làm cho cá và

rùa chết thật nhiều, do cộng nghiệp ấy mà dòng Thích Ca phải bị tiêu diệt như vậy.

Qua ngày sau, chư Tỳ khưu lại nhóm trong giảng đường và đề khởi pháp thoại

như vầy:

- Vua Viḍūḍabha hạ sát cả dòng họ Thích Ca, trở về không đến được xứ. Vì nuôi

tham vọng quá mức mà dắt dẫn cả bao nhiêu người đi theo làm mồi cho cá và rùa ở

dưới biển sâu.



Đức Bổn Sư ngự đến giảng đường, phán hỏi rằng:

- Nầy các Tỳ khưu! Các ông đang hội thảo về việc chi vậy?

Chư Tăng đáp: “Bạch Ngài, chuyện như vầy…”.

- Nầy các Tỳ khưu! Cũng như dòng nước lũ ngập lụt cả xóm làng đang mê ngủ,

tử thần bắt những chúng sanh nầy trong lúc họ còn ôm ấp tham vọng chưa thỏa mãn,

cắt đứt mạng căn của họ, nhận chìm họ xuống biển tứ ác đạo vậy.


Nói xong, Đức Bổn Sư thuyết kệ rằng:


“Upasāḷhakanāmānaṃ,

Sahassāni catuddasa;

Asmiṃ padese daḍḍhāni,

Natthi loke anāmataṃ.

Yamhi saccañca dhammo ca,

Ahiṃsā saṃyamo damo;

Etadariyā sevanti,

Etaṃ loke anāmatanti”.


“Một muôn lại với bốn ngàn,

Thổ dân đã rụi xương tàn nơi đây.

Không bao giờ cõi tạm này,

Có nơi bất diệt cho thây phàm trần.

Nơi nào Đạo pháp chánh chân,

Vô não thu thúc, tâm thân tự điều.

Là nơi chư Thánh tiêu diêu,

Nơi ấy bất diệt, nghịch chiều thế gian”.


Dứt hai bài kệ, Đức Bổn Sư thuyết tích Bổn Sanh Upasāḷhaka (Dân xứ). Theo

phong tục, họ đặt thi thể nằm trên đất bằng, mong sao người chết theo dấu ông bà về

xứ bất tử (amata pubbepadesa). Nhưng sự thật, người thường không ai về xứ ấy cả.

Chỉ những bậc chư Đại đức Ānanda mới được viên tịch, theo dấu tiền nhân lên đến

bất tử mà thôi.

Tương truyền rằng: “Lúc được một trăm hai mươi tuổi, Đại đức Ānanda quán

xét thấy thọ mạng của mình sắp hết, bèn báo tin cho thiện tín hay: “Bảy ngày nữa, bần

Tăng sẽ nhập diệt”.


Hay tin nầy, trong số người ở hai bên bờ sông Rohinī, nhóm ở bên bờ này nói

rằng: “Chúng ta hộ độ Đại đức nhiều, chắc là Ngài sẽ viên tịch trên phần đất của ta”.

Nhóm người bên kia sông cũng nói: “Chúng ta hộ độ Ngài nhiều, chắc là Ngài sẽ

viên tịch trên phần đất của ta”.


Đại đức nghe cả hai bên nói giống nhau như thế thì nghĩ rằng: “Thiện tín ở hai

bên bờ sông đều hộ độ cho ta nhiều cả. Nhưng ta không thể chiều ý theo cả hai bên,

nếu ta viên tịch ở bên này thì nhóm cư sĩ ở bên kia sẽ tranh cãi. Do nơi ta mà họ sẽ đối

chọi lẫn nhau. Ta phải làm sao cho họ sẽ vì ta mà chấm dứt mọi tranh chấp”.


Nghĩ rồi, Đại đức bảo hai nhóm thiện tín rằng: “Quý vị ở bờ sông bên này cũng

như quí vị ở bờ sông bên kia, đều là những người có công hộ độ cho ta cả. Ta không

thể nào theo ai mà bỏ ai. Thôi thì quý vị ở bên này hãy tập hợp ở bờ bên ấy, và quý vị ở bên kia hãy tập hợp bờ bên kia”.



(Đến ngày thứ bảy, Ngài ngồi kiết già ở giữa sông, lơ lửng trên từng cao độ bảy

cây thốt nốt mà thuyết pháp cho đại chúng nghe).

Thuyết pháp xong Ngài nguyện: “Xá lợi của ta hãy phân làm hai, một rơi xuống

bờ này, một rơi xuống bờ kia”.

Đoạn Ngài nhập vào hỏa giới, lửa bốc lên có ngọn thiêu nhục thân Ngài. Xá lợi

tự nhiên chia đôi, một phần rơi xuống bờ này, một phần rơi xuống bờ kia.

Đại chúng kêu gào than khóc nghe như mặt đất vô tình cũng vỡ tan từng mảnh,

nấc lên những tiếng ai bi.


Khi Đức Bổn Sư Níp Bàn, quả đất vang rền tiếng than khóc não ruột của đại

chúng trong bốn tháng dài, nghe thật ai bi sầu thảm, mọi người đi lang thang kể lể

rằng: “Đức Bổn Sư Ngài đã Níp Bàn, chúng ta không còn trông thấy ánh từ quang,

không còn được trông thấy kim thân của Ngài đắp y mang bát như thưở tại tiền”.

Dứt tích Bổn Sanh, Đức Bổn Sư phán hỏi Sa di Tissa:

- Nầy Tissa, trong khu rừng nầy có những tiếng cọp, beo gầm thét mà ông không

sợ sao?”.

- Bạch Thế Tôn, chẳng những con không sợ, mà khi nghe tiếng gầm thét của loài

dã thú, con càng vui thích với cảnh lâm tuyền.

Nói rồi Sa di ngâm lên bài kệ trường thiên gồm sáu mươi đoạn mô tả tả phong

cảnh rừng núi.


Khi ấy Đức Thế Tôn phán hỏi:

- Nầy Tissa.

- Dạ bạch Ngài.

- Như Lai sẽ đi với Tăng chúng, còn ông đi hay là trở lại?

- Bạch Ngài. Nếu Thầy Tế độ của con dắt con đi thì con đi, nếu người trở lại thì

con trở lại.

Đức Bổn Sư cùng với Tăng chúng đồng lên đường, ông Sa di đi lui lại tìm thầy

tế độ. Gặp ông, Đại đức hỏi:

- Nầy Tissa, nếu ông muốn trở về chỗ ngụ thì cứ đi.

Ông Sa di Tissa đảnh lễ cáo biệt Đức Bổn Sư và Tỳ khưu Tăng rồi trở lại. Đức

Bổn Sư thì đi luôn về Jetavana.


Trong phòng pháp hội giữa các Tỳ khưu, pháp thoại sau đây được đề khởi:

“Chà! Tội nghiệp ông Sa di Tissa bây giờ tu khổ hạnh quá. Từ ngày ông tục sanh,

song thân ông thiết lập bảy cuộc đại thí cơm trắng nấu với sữa tươi hay mật ông pha

đặc để cúng dường đến năm trăm vị Tỳ khưu. Đến khi ông xuất gia, song thân ông lại

thiết lễ Trai Tăng bảy ngày liền trong chùa, cúng dường cơm trắng này với mật pha

chút ít nước đến Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm tọa chủ. Xuất gia rồi, từ ngày thứ tám

ông vào làng đi bát, trong hai ngày được cúng ngàn bát cơm cùng ngàn bộ y tắm. Qua

ngày sau được thêm ngàn lá y gấm ngự hàn. Đến nay, ông vào cư ngụ trong rừng lại

có lễ lộc phát sanh dồi dào đến cho ông, mà rồi ông cũng xả bỏ tất cả lợi danh như

thế, đi vào rừng sâu ăn cơm trộn lộn trong bát. Thật là ông Sa di tu hành khổ hạnh quá”.



Đức Bổn Sư ngự đến phán hỏi: “Này các Tỳ khưu, hôm nay các ông ngồi thảo

luận việc đó?”.

- Bạch Ngài, chuyện như vậy…


Nghe vậy Đức Bổn Sư dạy rằng:

- Phải đó, nầy các Tỳ khưu, có hai đường lối khác nhau. Con đường thiên về thế

lợi như trên là khác và con đường hành đạo để chứng đạt Níp Bàn là khác. Thật thế,

Tỳ khưu nào cứ mong ước: “Ta sẽ được lễ lộc như thế”, dầu cho có thọ các chi Đầu

đà nhất là ngụ trong rừng mà còn lo gìn giữ lợi danh thì nhất định bốn cảnh ác thú

đang mở rộng chờ đón ông ta. Còn Tỳ khưu muốn đặt bước lên đường Níp Bàn thì xả

bỏ hết lợi danh, lễ lộc, vào cư ngụ trong rừng vắng tinh tấn hành đạo không xao lãng

thì sẽ chứng đắc quả A La Hán chẳng sai.


Đức Bổn Sư kết luận xong, còn thuyết pháp giải rộng thêm những nghĩa lý và

đọc bài kệ này:


Pupphāni h’eva pacinantaṃ,

Byāsattamanasaṃ naraṃ;

Suttaṃ gāmaṃ mahogho’va,

Maccu ādāya gacchati”.

Người nhặt các loại hoa,

Ý đắm say, tham nhiễm,

Bị Thần chết mang đi,

Như lụt trôi làng ngủ.


228 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page