top of page
Ảnh của tác giảKinh Pháp Cú

Tích Truyện Kinh Pháp Cú 98 - TRƯỞNG LÃO LY BÀ ĐA Ở RỪNG KEO

Đã cập nhật: 13 thg 7



“Gāme vā yadi vā’raññe, Ninne vā yadi vā thale; Yatthārahanto viharanti, Taṃ bhūmiṃ rāmaṇeyyakaṃ”.

 "Làng mạc hay rừng núi

Thung lũng hay đồi cao,

La Hán trú chỗ nào,

Đất ấy thật khả ái".


Kệ Pháp Cú nầy, Đức Bổn Sư đã thuyết, khi Ngài ngự tại Jetavana Vihāra (Kỳ Viên Tự), đề cập đến Trưởng lão Revata (Ly Bà Đa) ở rừng Keo.


Khi Trưởng lão Sāriputta (Xá Lợi Phất) từ bỏ gia sản trị giá đến tám trăm bảy chục triệu đồng vàng (Sattāsātikoṭi) ra đi xuất gia, nơi nhà còn lại ba chị em gái là Cālā (Cha La), Upacālā (U Pá Cha La) và Sīsucālā (Xi Xú Cha La), cùng với ba em trai. Kế đến, Trưởng lão cho ba người em gái xuất gia, rồi hai người em trai lớn là Cunda (Chun Đá) và Upasena (Ú Pá Xê Ná) xuất gia, rốt cuộc chỉ còn lại người em út là Revata (Ly Bà Đa) ở lại nhà.

 

Lúc bấy giờ, thân mẫu của Trưởng lão tự nghĩ: “Con trưởng nam của ta là Upatissa (U Pá Đề Xá) đã từ bỏ bấy nhiêu tài sản mà xuất gia, lại cho ba chị em gái cùng hai người em trai lớn xuất gia nốt. Chỉ còn lại Revata ở lại nhà, nếu cho thằng út xuất gia nữa thì bấy nhiêu tài sản này sẽ bị tiêu hoại, dòng dõi ta sẽ bị gián đoạn.

 

Trong khi Revata còn xuân xanh, ta phải lập gia thất cho nó để buộc ràng nó lại”.Về phần Trưởng lão Sāriputta cũng đã tiên liệu, Ngài bắt đầu dặn dò chư Tỳ khưu: “Nầy các đạo hữu! Nếu như Revata có đến đây xin xuất gia, thì quý vị cứ tự tiện cho Revata xuất gia. Song thân của bần tăng là người Tà kiến, khỏi phải đi hỏi ý kiến của ông bà mà làm chi. Bần Tăng sẽ thay thế quyền làm cha mẹ của Revata, cho phép là được rồi”.

 

Thân mẫu của Revata, tuy con trai mới bảy tuổi đầu nhưng vì muốn lấy sợi dây gia đình ràng buộc chân con lại, nên bà đã tìm nơi môn đăng hộ đối (Samajātikekule) hỏi vợ cho cậu bé. Đến ngày ấn định lễ cưới, bà lo trang điểm cho công tử thật tươm tất, dắt theo rất đông họ hàng bên trai, đi đến sui gia đàng gái.

Trong khi hai họ nhóm họp cử hành lễ cưới, thân bằng quyến thuộc đến chúc tụng hạnh phúc lứa đôi vị thành niên, cầm bát nước xối trên tay cô dâu trẻ và nói: “Chúng tôi xin cầu chúc cho cô duyên ưa phận đẹp, tuổi thọ sống lâu như bà lão ẩu ngày nay vậy”.

Công tử Revata tự hỏi: “Bà lão ẩu ngày nay nầy là ai?”, rồi cậu hỏi ngay người chúc: “Bà lão ẩu nầy là bà nào đâu?”.

Họ đàng gái đáp: “Nầy con thân, con chưa gặp bà ta sao? Bà nầy sống một trăm hai mươi tuổi, răng đã rụng hết, tóc bạc trắng, da mồi nhăn nhíu, thân hình còm xuống cong như hai cái sừng bò. Đó là lão ẩu đó con thân”.

- Vì sao bà lại có hình thù như thế?

- Nếu sống lâu thì sẽ già như thế con thân à.

Chàng rể bé nhỏ suy nghĩ : “Thân thể con người đến tuổi già nua phải chịu thay

hình đổi sắc như thế nầy ư? Vậy thì ta phải gặp anh Upatissa của ta ngay. Hôm nay ta phải bỏ nhà đi xuất gia mới được”.


Khi họ nhà trai rước cô dâu lên ngồi chung xe với chàng rể rồi, mọi người đồng lên xe của mình đi theo hộ tống. Công tử Revata chốc chốc lại giả thầm đau bụng muốn đi tiêu, kêu xe ngừng lại cho cậu xuống và chờ cậu trong giây lát. Mỗi lần xuống xe, cậu đi vào trong bụi rậm ngồi nán một chút rồi đi ra. Cậu cứ viện lẽ nầy lý kia để xuống xe, lên xe như thế mãi.


Thế rồi các quyến thuộc của cậu cũng không gìn giữ cậu chặt chẽ nữa, vì nghĩ rằng: “Chắc cậu này lên cơn (khùng)”. Một lúc sau, công tử cũng viện lẽ là cần phải đi giải một chút, rồi xuống xe bảo quyến thuộc: “Bà con cô bác đánh xe về trước đi, để tôi thủng thẳng đi sau”. Nói rồi cậu xuống xe đi ngay vào một bụi rậm, các quyến thuộc thân nhân của cậu tưởng cậu sẽ theo sau, nên đánh xe đi luôn về nhà.


Cậu Revata từ đó thoát ra chạy đến một trú xứ nọ, gặp ba mươi vị Tỳ khưu trú nơi đó, bèn đảnh lễ chư Tăng và nói:

- Bạch các Ngài, xin các Ngài cho con được xuất gia.

- Nầy đạo hữu, đạo hữu ăn mặc sang trọng, trang sức lộng lẫy như thế. Nhưng chư Tăng chúng tôi không biết đạo hữu là Hoàng tử con vua, hoặc là ấm tử con quan đại thần, thì làm sao chúng tôi dám cho đạo hữu xuất gia?

- Nói thế, các Ngài không biết con hay sao?

- Thật chúng tôi không biết đạo hữu.

- Con là em út của Ngài Upatissa đây mà.

- Người tên Upatissa là ai vậy?

- Bạch các Ngài, các Ngài quen gọi anh con là Trưởng lão Sāriputta. Bởi vậy, nghe tên Trưởng lão Upatissa thì các Ngài không biết.

- Nói vậy đạo hữu là em út của Trưởng lão Sāriputta chăng?

- Bạch các Ngài, phải.

- Nếu vậy thì hãy đến đây, anh của đạo hữu đã cho phép đạo hữu xuất gia rồi. Nói rồi chư Tăng bảo cậu Revata cởi bỏ đồ trang sức, cất để có nơi, hành lễ xuất gia cho cậu xong, liền gởi thơ báo tin cho Trưởng lão Sāriputta biết. Bắt được tin, Trưởng lão Sāriputta vào bạch với Đức Thế Tôn: “Bạch Thế Tôn, các Tỳ khưu hạnh đầu đà ẩn lâm đã cho Revata xuất gia và gởi thơ báo tin cho con biết, con xin đi thăm Revata và sẽ trở về”.

Đức Bổn Sư không chấp thuận, bảo với Trưởng lão rằng: “Khoan đi đã nầy Sāriputta”. Vài ngày sau, Trưởng lão lại đến xin phép Đức Bổn Sư, Ngài cũng không cho đi, lại bảo: “Khoan đi đã Sāriputta, để rồi Như Lai sẽ cùng đi nữa”.

 

Sadi Revata, sau khi xuất gia nghĩ thầm: “Nếu ta ở lại đây, người nhà sẽ theo dấu tìm bắt ta về”, ông đi đến chư Tăng xin chư Tăng dạy về đề mục niệm cho đắc thánh A La Hán quả. Thọ trì đề mục rồi, ông đắp y mang bát đi vân du hành đạo. Đi xa khoảng ba mươi do tuần, ông đến một nơi trong rừng Keo, an cư mùa mưa nơi đó, rồi đắc chứng A La Hán với Tuệ phân tích giữa khoảng ba tháng an cư.



Trưởng lão Sāriputta, sau khi lễ Tự Tứ Tăng, lại đến xin phép Đức Bổn Sư để đi thăm em. Đức Bổn Sư bảo: “Nầy Sāriputta, Ta cũng đi nữa”, rồi Ngài khởi hành dắt theo năm trăm Tỳ khưu.

Đi được một khoảng dài, đứng trước một lộ rẽ, Trựởng lão Ānanda hỏi Đức Bổn Sư rằng: “Bạch Ngài, có hai lối đi đến chỗ ngự của Revata, lối quanh nầy dài đến sáu mươi do tuần, nhưng có nhà dân chúng. Còn lối đi thẳng này tuy xa chỉ có ba mươi do tuần nhưng lại chẳng có nhà, có phi nhân trấn giữ. Chúng ta nên đi lối nào?”.

- Nầy Ānanda! Có Tỳ khưu Sīvali (Xi Vá Lí) cùng đi với Ta chăng?

- Bạch Thế Tôn, phải.

- Nếu có Sīvali đi, thì hãy đi theo con đường thẳng.


Theo truyền thuyết: Đức Bổn Sư không nói: “Ta sẽ làm cơm, cháo phát sanh đến các thầy, các thầy hãy đi theo con đường thẳng”, vì Ngài biết phần cúng dường phát sanh đến chư Tăng là do phước báu của Tỳ khưu Sīvali, nên Ngài bảo: “Nếu có Sīvali cùng đi thì thầy cứ đi đường thẳng”.


Trong khi Đức Bổn Sư đang noi theo lộ trình ấy, thì chư thiên nghĩ thầm: “Chúng ta sẽ cung nghinh Trưởng lão Sīvali của ta”, cứ cách một do tuần trở lại chớ không cho xa hơn thì chư thiên lại dựng lên một ngôi chùa. Cứ mỗi sáng tinh sương vừa thức giấc là chư thiên mang vật thực, nhất là cháo trời đến chùa, đi loanh quanh hỏi thăm: “Trưởng lão Sīvali của ta ngồi đâu? Trưởng lão ngồi nơi đâu?”.

Trưởng lão mang lễ vật của chư thiên tặng mình dâng lên chư Tỳ khưu Tăng có Đức Phật làm tọa chủ.

Đức Bổn Sư với Tăng chúng tùy tùng đã trải qua đoạn đường xa ba mươi do tuần một cách an vui như thế là nhờ oai lực phước báu của Trưởng lão Sīvali vậy.


Về phần Trưởng lão Revata, khi biết tin Đức Bổn Sư sắp đến, liền cho xây cất hương thất là chỗ ngự riêng của Đức Thế Tôn, rồi cho cất tiếp theo năm trăm cái cốc tạm nóc nhọn cho chư Tăng, cho dọn năm trăm con đường kinh hành, cùng với năm trăm chỗ che nắng ban ngày.

Đức Bổn Sư ngự an ở nơi Trưởng lão Revata độ một tháng, trong khoảng thời gian đó, tất cả vật dụng phát sanh lên chư Tăng đều do oai lực phước báu của Ngài Sīvali cả.


Lúc bấy giờ, có hai vị Tỳ kheo cao hạ, vì không hoan hỷ với sự việc Đức Bổn Sư ngự đến rừng Keo, nên đã nghĩ tưởng như vầy: “Tỳ khưu Revata nầy, mãi lo tạo tác bao nhiêu chỗ ở mới thì làm sao mà thực hành Sa môn pháp được? Đức Bổn Sư ngự đến nơi đạo tràng tân tạo này, là do Ngài coi theo mặt, vì đây là công trình của em trai út Ngài Sāriputta”.


Sáng sớm ngày thứ ba, trong khi quán xét thế gian, Đức Thế Tôn thấy được hai vị Tỳ khưu này, và biết được ý nghĩ trong tâm họ, cho nên sau khi ngự tại nơi khoảng một tháng, đến ngày ra đi, Đức Bổn Sư dùng Thần thông khiến cho hai vị ấy lãng quên những dụng cụ lặt vặt của mình, nào là hũ dầu, bình nước, giày, dép v.v...

Sau khi quyết định khởi hành, Đức Bổn Sư đi ra khỏi ranh chùa, lúc bấy giờ Ngài mới xả thần thông.

Khi ấy, hai vị Tỳ khưu cao hạ mới sực nhớ mình còn bỏ quên thứ nầy, thứ nọ, vị nầy rủ vị kia trở lại chùa. Vì không nhận định phương vị của chùa, hai vị tuôn bờ lướt bụi qua khu rừng Keo đầy gai góc một hồi, mới thấy đồ đạc của mình treo tòn ten trên một cây Keo, bèn lấy xuống đem đi ra.

Trên đường về, Đức Bổn Sư cũng dắt Tăng chúng đi, cũng mất hết một tháng, nhưng vẫn được an vui, nhờ nương vào phước báu của Trưởng lão Sīvali, Đức Bổn Sư ngự vào Đông Phương Tự (Pubbārāma).


Sáng hôm sau, hai vị Tỳ khưu cao hạ rửa mặt xong, rủ nhau: “Ta hãy đến độ cháo nơi nhà bà Đại Tín nữ Visākhā (Thiện Chi), là nữ thí chủ cúng dường vật thực đến khách Tăng”. Đến nơi đó, hai vị Trưởng lão độ cháo và đồ ngọt, rồi ngồi nghỉ. Bà Visākhā hỏi Trưởng lão:

- Bạch hai Ngài! Chắc hai Ngài cũng có đi với Đức Bổn Sư đến chỗ ngụ của

Trưởng lão Revata phải chăng?

- Phải đó, nầy bà Tín nữ.

- Bạch hai Ngài, chỗ ngụ của Trưởng lão có ngoạn mục (ramanīya) không?

- Có chi đâu mà ngoạn mục? Chỉ toàn là những cây Keo gai trắng rậm rạp, y như

chỗ ngụ của giống Ngạ quỷ vậy, bà Tín nữ ạ!

Khi ấy, có hai vị Tỳ khưu trẻ đến. Bà Tín nữ cũng dâng cháo và bánh ngọt đến hai vị nầy, rồi cũng hỏi thăm về chỗ ngụ của Trưởng lão Revata. Hai vị sau đáp:

- Đẹp không thể tả, bà Tín nữ ạ. Chỗ ngụ của Trưởng lão chẳng khác nào cảnh giới hiện bằng Thần thông của Quần Tiên hội.


Bà Tín nữ nghĩ thầm: “Hai vị đến trước thì nói khác, hai vị đến sau thì nói khác. Chắc có lẽ hai vị Tỳ khưu trước có quên lãng chút chi, đã chạy ngược trở lại lúc Đức Bổn Sư đã xả Thần thông. Còn hai vị sau ra đi, trong lúc Đức Bổn Sư còn thị hiện Thần thông”.


Nhờ tự mình có Trí tuệ sáng suốt, bà Visakhā biết rõ vấn đề nầy như vầy, nhưng bà cũng chờ đến dịp đảnh lễ Đức Bổn Sư để hỏi lại. Ngay lúc ấy, Đức Bổn Sư cùng với đoàn Tỳ khưu tùy tùng đoanh vây ngự đến nhà bà Visākhā, ngồi lên bảo tọa đã soạn sẵn.

Sau khi cung kính phục vụ chư Tăng có Đức Phật dẫn đầu, đến cuối bữa ngọ, bà Tín nữ đảnh lễ Đức Thế Tôn và hỏi cặn kẽ:


- Bạch Ngài, trong số các Tỳ kheo cùng đi chung với Ngài, có nhóm nói chỗ ngụ của Trưởng lão Revata là khu rừng rậm đầy Keo gai, có nhóm nói chỗ ấy ngoạn mục. Vậy chỗ ấy ra sao bạch Ngài?


Nghe bà hỏi, Đức Bổn Sư đáp: “Nầy bà Tín nữ, dầu là làng mạc hoặc rừng rậm cũng vậy. Hễ nơi nào có bậc A La Hán tịnh cư thì nơi đó phong cảnh ngoạnmục...”.

Nói rồi Ngài thuyết thêm và tóm tắt bằng bài kệ:

“Gāme vā yadi vā’raññe,

Ninne vā yadi vā thale;

Yatthārahanto viharanti,

Taṃ bhūmiṃ rāmaṇeyyakaṃ”.


"Làng mạc hay rừng núi

Thung lũng hay đồi cao,

La Hán trú chỗ nào,

Đất ấy thật khả ái"




59 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page